Kết nối với các tuyến cao tốc tạo cơ hội cho địa phương phát triển

BBK - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện 769 về việc bố trí các nút giao cắt với các tuyến đường bộ cao tốc, nhiều địa phương đang tích cực triển khai, trong đó có tỉnh Bắc Kạn với tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn.

Công điện nêu rõ: “Cần tăng cường kết nối các tuyến đường cao tốc với mạng lưới giao thông của các địa phương, bố trí các nút giao cắt với các tuyến đường bộ cao tốc”. Đối với tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn đang chuẩn bị đầu tư, Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án 2 phối hợp với tỉnh Bắc Kạn rà soát các điểm kết nối với tuyến đường địa phương để đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp.

Phối cảnh thiết kế các nút giao thông trên tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn.

Phối cảnh thiết kế các nút giao thông trên tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn.

Theo phương án thiết kế sơ bộ, tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn có điểm đầu dự án tại Km0+00 (kết nối đường cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) quy mô 4 làn xe, điểm cuối dự án tại Km28+400 (kết nối đường cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn). Tổng chiều dài tuyến khoảng 28,8km, trong đó tuyến cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn dài khoảng 28,4km, đoạn tuyến nối dài khoảng 0,4km (địa phận huyện Chợ Mới dài 23,15km và thành phố Bắc Kạn 5,65km).

Theo Ban QLDA 2, Bộ GTVT, việc thiết kế hệ thống kết nối giao thông dự kiến bố trí các nút giao trên tuyến bao gồm: Nút Thanh Bình, nút Quốc lộ 3, nút Thanh Mai, nút thành phố Bắc Kạn. Giai đoạn đầu tư dự án sẽ xây dựng hoàn chỉnh 02 nút giao gồm: Nút giao Thanh Bình Km0+00 (kết nối với đường Thái Nguyên - Chợ Mới, Quốc lộ 3 và Khu công nghiệp Thanh Bình) là các nhánh rẽ của nút giao giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới theo quy mô cao tốc. Xây dựng 01 nút giao khác mức liên thông với Quốc lộ 3 tại khoảng Km9+850. Nút giao cuối tuyến Km28+802 (giao với đường Nông Quốc Chấn và đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể).

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát vị trí dự kiến đầu tư tuyến đường trục kết nối trung tâm thành phố.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát vị trí dự kiến đầu tư tuyến đường trục kết nối trung tâm thành phố.

Ở giai đoạn hoàn thiện trục cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới – Bắc Kạn – Cao Bằng: Nút Thanh Bình sẽ hoàn thiện nhánh vượt, cầu vượt đảm bảo giao cắt khác mức liên thông theo hình dạng nút Trumpet (dạng loa kèn). Đầu tư liên thông các nút giao Thanh Mai, nút thành phố Bắc Kạn khi các tuyến nối có dự án đầu tư triển khai. Nút giao bằng với Quốc lộ 3B (phố Nông Quốc Chấn) được giữ nguyên và đoạn nối 400m sẽ tổ chức giao thông thành nhánh lên cao tốc hướng Ba Bể - Hà Nội.

Các nút giao quy hoạch trên tuyến gồm: Nút giao Thanh Mai - Thanh Vận Km19+650 được đầu tư khi các khu công nghiệp hình thành. Nút giao đường Trường Chinh Km26+800 được đầu tư khi địa phương triển khai tuyến đường trục kết nối với trung tâm thành phố và nút cuối tuyến Km28+807 vuốt nối điểm cuối tuyến giao với phố Nông Quốc Chấn và đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể.

Tại cuộc họp với Ban QLDA 2 vào ngày 07/3 vừa qua, đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn đề nghị: Việc triển khai các nút giao trên tuyến tỉnh, đề nghị Ban đề xuất với Bộ GTVT trong thời gian tới nghiên cứu ngoài việc đầu tư hoàn chỉnh nút nối với Quốc lộ 3 cần đầu tư các nút như đã quy hoạch, nhất là nút giao kết nối vào thành phố Bắc Kạn (qua đường trục đô thị). Tỉnh đang khẩn trương triển khai công tác lập dự án, hoàn thiện quy hoạch xây dựng tuyến đường đô thị kéo dài đấu nối với cao tốc trình chủ trương đầu tư tại Kỳ họp HĐND tỉnh để thông qua Nghị quyết đầu tư. Ngay sau đó tỉnh đã khảo sát một số vị trí dự kiến đề nghị điều chỉnh đặt nút giao giữa cao tốc với tuyến đường vào thành phố Bắc Kạn và triển khai các bước tiếp theo.

Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn theo quy hoạch tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải từ Bắc Kạn đến các các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Mở thêm các nút giao với các tuyến đường cao tốc được xem là giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí logitics trong quá trình di chuyển. Ngoài ra, khi việc di chuyển thuận lợi sẽ là cơ hội để địa phương thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Từ đó, góp phần tạo động lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương, khu vực./.

Xem thêm