Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn gieo cấy được 8.409ha lúa, hơn 7.800ha ngô, gần 230ha bí xanh thơm, dong riềng hơn 400ha. Cây lúa hiện đang giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái, cây ngô phát triển 7-9 lá, dong riềng đang phát triển thân lá...
Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng, hiện trên một số cây lương thực chính đang xuất hiện sâu bệnh gây hại như: Bọ rầy, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá trên cây lúa; sâu xám, sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô; bệnh sương mai thối thân, héo xanh vi khuẩn hại trên cây bí xanh. Bên cạnh đó châu chấu tre lưng vàng bắt đầu nở tại thôn Khuổi Phầy, xã Văn Vũ, huyện Na Rì...
Theo chia sẻ của bà Hà Thị Loan, ở xã Tân Tú (huyện Bạch Thông), gia đình bà có đám ruộng ngô diện tích khoảng 600m2 nhưng có thể sản lượng năm nay sẽ giảm vì sâu bệnh và thời tiết hạn hán khi bước vào tháng 4. Bước vào vụ, bà và những hộ xung quanh đã tích cực phun thuốc phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo cho ngô phát triển. Tuy nhiên thời tiết nóng ẩm của tháng 4 đã tạo điều kiện cho những loại sâu như sâu gai, sâu đục thân, sâu đục bắp… phát sinh gây hại. Cho dù đã phun thuốc phòng trừ đến lần thứ ba nhưng tình trạng sâu bệnh gây hại vẫn chưa thuyên giảm.
Còn gia đình bà Nông Thị Lường, tại thôn Nà Ỏi, Xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: Ngay từ đầu vụ, thời tiết lúc nắng gắt gây khô hạn, có lúc lại mưa liên tiếp khiến cây ngô phát triển kém, các loại sâu bệnh như sâu đục thân, sâu ăn lá sinh trưởng mạnh… ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, ra bắp của cây ngô.
Trên ruộng lúa của bà Hà Thị Oanh cũng thuộc thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn, hiện sâu bệnh cũng đang phát triển mạnh, đặc biệt là ốc bươu vàng. Đúng thời điểm lúa đang làm đòng, loại ốc này đẻ trứng và sinh trưởng mạnh và phá hại cây lúa. Vì vậy, gia đình bà Oanh đã hạn chế đưa nước vào ruộng sớm, giữ mực nước xăm xắp để hạn chế sự di chuyển và phát triển của ốc bươu vàng. Đồng thời hiện nay, bà Oanh bón phân lân để thúc đẩy sự phát triển và ra đòng của cây lúa.
Theo ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn: Cuối tháng 4, cây lúa xuân chuẩn bị kết thúc đẻ nhánh và bước vào giai đoạn ôm đòng, đây cũng là giai đoạn phát triển mạnh, gây hại trên diện rộng của bọ rầy, rầy cám, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá, bệnh bạc lá lúa… Trước thực trạng này, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền các địa phương tuyên truyền nông dân chủ động kiểm tra, bảo vệ cây lúa, phòng trừ rầy, kịp thời theo dõi phun thuốc phòng trừ cho lúa ở giai đoạn sớm.
Dự báo trong những ngày tới, các loại sâu bệnh vẫn có nguy cơ gây hại cao trên tất cả các loại cây trồng vụ xuân, mật độ có thể tăng, diện tích phân bổ có thể mở rộng. Vì vậy ngành chuyên môn khuyến cáo bà con cần thường xuyên thăm đồng, chủ động các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn./.