Về phía Đoàn ĐBQH tỉnh có các đồng chí: Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh; Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn. Cùng dự có lãnh đạo UBND huyện Bạch Thông và đại diện các cấp công đoàn trong huyện.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Báo cáo của Liên đoàn Lao động huyện Bạch Thông tại buổi làm việc cho thấy, thực hiện Luật Công đoàn 2012, các cấp công đoàn trong huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền xây dựng Quy chế phối hợp công tác của công đoàn với chính quyền đồng cấp. Nhờ đó đã thực hiện tốt cơ chế hai bên, các chế độ chính sách liên quan cho người lao động; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các cấp công đoàn tham gia cùng cơ quan nhà nước hỗ trợ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ; giám sát việc thi hành các quy định pháp luật lao động; đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội thông qua việc tuyên truyền các quy định của pháp luật, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; phối hợp với chính quyền xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ công chức viên chức hằng năm đạt 100% kế hoạch; tham gia các hội đồng xét và giải quyết quyền lợi của đoàn viên và người lao động như nâng lương thường xuyên, trước thời hạn cho cán bộ công chức viên chức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện Luật tại các cấp công đoàn.
Đại biểu khối trường học nêu một số khó khăn, vướng mắc trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) về quy định bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn. |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá rõ hơn về kết quả đạt được và những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 trên địa bàn huyện. Góp ý về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu nêu ý kiến tập trung vào những nội dung như: Quyền về người lao động tham gia tổ chức công đoàn; quyền giám sát, phản biện xã hội của công đoàn; gia nhập công đoàn của người lao động tại các doanh nghiệp; bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn; việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn.
Các đại biểu đánh giá nội dung dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) là cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời kiến nghị cần quan tâm công tác cán bộ công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. Về quyền thành lập, gia nhập công đoàn đối với người lao động tự do hợp pháp hiện nay gặp khó khăn trong việc thành lập công đoàn và phát triển đoàn viên. Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bạch Thông có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hợp đồng lao động chủ yếu là thời vụ, không bền chặt, do vậy chưa quan tâm gia nhập công đoàn. Có những công đoàn cơ sở biên chế cán bộ công đoàn không có tính ổn định. Về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn, đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật Công đoàn 2012 vì đối với khối trường học hay một số nghề có công việc đặc thù sẽ có những khó khăn riêng về quy định giờ làm việc, phòng làm việc, trang thiết bị dành cho công tác công đoàn…
Đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tổng hợp vào báo cáo khảo sát. Đề nghị Liên đoàn Lao động huyện triển khai kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ, hỗ trợ kịp thời, chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thanh tra, kiểm tra hoạt động công đoàn; chú trọng công tác tuyên truyền để đoàn viên nhìn thấy rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia tổ chức công đoàn, tiếng nói của người lao động được lắng nghe và bảo vệ, cũng như trách nhiệm tham gia xây dựng tổ chức công đoàn./.