Không để dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng

BBK - Đến thời điểm này, huyện Bạch Thông đã phát hiện nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi. Huyện đang gấp rút triển khai các biện pháp xử lý và kiểm soát, không để dịch lây lan diện rộng.
Tiêu hủy, phun khử trùng khu vực xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại xã Đôn Phong.

Tiêu hủy, phun khử trùng khu vực xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại xã Đôn Phong.

Sáng 12/10, sau khi nhận được thông tin của thú y xã Nguyên Phúc báo cáo có lợn chết của hộ ông Vương Văn Miến ở thôn Nam Yên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bạch Thông đã xuống kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Tại thời điểm kiểm tra, đàn lợn nhà ông Miến có 01 con chết, 01 con đang có hiện tượng bỏ ăn. Kết quả mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho thấy lợn chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cũng trong ngày 12/10, tại thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng cũng có lợn chết chưa rõ nguyên nhân. Nhận được thông tin, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã chủ động xuống kiểm tra, lấy mẫu và hướng dẫn người dân tiêu hủy xác vật nuôi theo quy định.

Trước đó, tại thôn Nà Váng, xã Đôn Phong đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở một hộ chăn nuôi. Địa phương đã tiến hành tiêu hủy theo quy định. Bà Phùng Thị Sim, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay sau khi xác định ổ dịch tả lợn châu Phi, xã đã tiến hành các biện pháp phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi. Đồng thời khuyến cáo bà con tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn, hạn chế dịch lây lan ra các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn.

Như vậy đến nay, trên địa bàn huyện Bạch Thông có 05 xã tái phát dịch tả lợn châu Phi, gồm: Mỹ Thanh, Sỹ Bình, Đôn Phong, Cẩm Giàng, Nguyên Phúc. Các ổ dịch đều xuất hiện tại những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo các điều kiện và quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Khi phát hiện ổ dịch, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và thực hiện phun thuốc, khử trùng khu vực chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 81 con, với tổng trọng lượng 2.480kg.

Chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi.

Chăn nuôi an toàn sinh học là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi.

Nghề chăn nuôi lợn đang phát triển mạnh ở huyện Bạch Thông, nhất là hình thức chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, gia trại. Để tránh lây lan, phát sinh sang địa bàn khác, công tác ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi đang được huyện Bạch Thông gấp rút triển khai.

UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã coi chống dịch là nhiệm vụ cấp bách. Để khoanh vùng, khống chế dịch, huyện yêu cầu các địa phương có dịch tả lợn châu Phi tiêu hủy toàn bộ lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên, 03 lần/tuần đến khi công bố hết dịch.

Đối với các địa bàn chưa có dịch tuyệt đối không được chủ quan, tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm. Chính quyền địa phương tuyên truyền mạnh mẽ đến Nhân dân qua hệ thống loa truyền thanh của xã, thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, ngăn ngừa dịch bệnh. Khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, báo cáo kịp thời khi phát hiện lợn có biểu hiện bệnh, đặc biệt là không được bán tháo, bán chạy lợn bị bệnh, lợn ốm, chết…

Ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết: Huyện đang tập trung chỉ đạo các xã quyết liệt thực hiện công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, không để dịch lây lan diện rộng. Đồng thời, chủ động liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chuẩn bị đầy đủ vật tư, thuốc sát trùng cho công tác phòng, chống dịch. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác kiểm soát giết mổ. Phân công trực ban kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để tiếp nhận thông tin từ cơ sở, lấy mẫu bệnh phẩm, xử lý kịp thời các tình huống. Khoanh vùng dịch, thành lập các tổ giám sát, cán bộ thú y cơ sở theo dõi, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, bản, hộ chăn nuôi...

Trước nguy cơ lây lan của dịch tả lợn châu Phi, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Bạch Thông cần nghiêm túc thực hiện “5 không” theo quy định của Luật Thú y, đó là: “Không giấu dịch. Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết. Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết. Không vứt lợn chết ra môi trường. Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt"./.

Xem thêm