Không đốt than đá, than củi trong phòng kín để sưởi ấm

Đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra nhiều vụ ngộ độc khí CO do đốt than củi sưởi ấm. Hậu quả đau lòng hoặc di chứng từ việc đốt than, củi để sưởi ấm là hồi chuông cảnh tỉnh mỗi gia đình, người dân cần nâng cao ý thức sử dụng các biện pháp sưởi ấm đúng cách.
Nhân viên y tế chăm sóc, điều trị bệnh nhân bị ngộ độc khí CO.Nhân viên y tế chăm sóc, điều trị bệnh nhân bị ngộ độc khí CO.

Ngày 1/2, người dân thôn Yên Trung, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa phát hiện ông M.V.H (sinh năm 1971) đã tử vong; còn vợ bà Ph.Th.H (sinh năm 1974) trong tình trạng nguy kịch, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Theo nhận định ban đầu, hai vợ chồng có thể bị ngạt khí CO từ việc đốt than sưởi ấm trong phòng ngủ đóng kín các cửa.

Trước đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, điều trị cho 2 nữ bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do đốt than củi để sưởi ấm là bệnh nhân N.T.M (63 tuổi), ở xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn và bà L.T.N (90 tuổi), ở xã Yên Ninh, Yên Định.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín vì phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy, sẽ hình thành CO ngày càng nhiều.

Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính.

Ngay khi được cấp cứu, bảo tồn tính mạng, có tới 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt người…

Xem thêm