Khuổi Cuồng khắc ghi lời Bác dạy

BBK - Mặc dù Bác đã đi xa nhưng những lời dạy của Người trong một lần dừng chân nói chuyện ở thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) vào năm 1951 vẫn luôn được người dân nơi đây khắc ghi và làm theo.

t3-bac-ho-noi-chuyen-voi-can-bo-va-nhan-dan-tai-khuoi-cuong-8983.jpg
Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, Nhân dân Khuổi Cuồng năm 1951 (ảnh tư liệu).

Nhớ Người những sáng tinh sương...

Theo thông tin còn lưu lại, 73 năm trước, các cơ quan huyện Bạch Thông sơ tán về Khuổi Cuồng, xã Phong Lưu, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn (nay là xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn). Trên chặng đường đi công tác, Bác Hồ đã dừng chân tại đây, nói chuyện với cán bộ và Nhân dân Khuổi Cuồng. Kỷ niệm đó được những người già ở Khuổi Cuồng như bà La Thị Giáp, Hà Thị Coi… kể cho con cháu với niềm tự hào, xúc động.

Một số hình ảnh về Khuổi Cuồng hôm nay.

Chuyện kể rằng, vào buổi sáng năm 1951, tại khu rừng Khuổi Cuồng đã diễn ra cuộc mít tinh đón Bác đến nói chuyện. Trong cuộc nói chuyện, Bác nói Bắc Kạn mới được giải phóng, đồng bào còn nghèo do đó phải đoàn kết giúp nhau vỡ đất khai hoang, phục hoá, tăng gia sản xuất để “cơm đủ ăn, áo đủ mặc”, đóng góp cho kháng chiến.

b1.jpg
Cán bộ thôn Khuổi Cuồng dâng hương, hoa tại điểm di tích lịch sử cấp tỉnh Khuổi Cuồng nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Vào sáng 28/3/1951, nghe tin Bác Hồ dừng lại ở Khuổi Cuồng, rất đông cán bộ và bà con trong thôn tụ hợp về khu rừng để được gặp Người. Tôi lúc ấy mới 15 tuổi không được trực tiếp đến nghe Bác nói nên phải chạy lên quả đồi cao để nhìn xuống. Bác đã đi khuất xa, bà con vẫn còn đứng mãi vẫy tay lưu luyến. Những người trực tiếp có vinh dự được gặp và nghe Bác nói chuyện sau đó đã kể lại cho mọi người nghe lời Bác dặn”, bà La Thị Giáp xúc động kể lại.

Cũng từ đó đến nay, với mỗi người dân Khuổi Cuồng, những câu nói, lời dạy của Bác đã được khắc sâu và được coi là phương châm để phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Khuổi Cuồng làm theo lời Bác dặn

z5452706199960_ceb97b3a37f92ac3403493263a7b6d69.jpg
Một tiết học tại điểm trường Khuổi Cuồng, thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn.
Chị Hà Thị Liên, người dân Khuổi Cuồng chia sẻ về việc người dân trong thôn làm theo lời Bác dặn.

Sắp đến ngày sinh nhật Bác, cờ hoa được giăng khắp con đường từ đầu thôn đến cuối ngõ. Tiếng học sinh tại điểm trường Khuổi Cuồng ê a đọc chữ, hát vang bài ca kết đoàn. Mái nhà ngói đỏ tươi dưới tán rừng như một dẫn chứng cho thấy những đổi thay trong cuộc sống ở nơi đây.

Em Hoàng Thanh Thúy, học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nông Thượng.

Bí thư Chi bộ Khuổi Cuồng, bà La Thị Vân Nhung cho biết: Toàn thôn có 95 hộ chỉ còn 02 hộ nghèo và 03 hộ cận nghèo. Với lợi thế về đất đai, người dân trong thôn tích cực “trồng cây gây rừng” như lời Bác từng dạy “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây”... Trung bình mỗi hộ dân trong thôn có khoảng 1ha rừng, nhiều hộ khá lên nhờ phát triển kinh tế rừng. Cùng với đó, một số hộ cũng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi nhím, lợn, nuôi cá, trồng trọt theo mô hình công nghệ cao... tiêu biểu như các hộ ông Tạ Văn Phước, Hoàng Văn Đình, Lâm Quốc Huy…

Đến nay, 100% trẻ đúng độ tuổi được huy động đến trường, 100% số hộ trong thôn có phương tiện nghe nhìn, được sử dụng điện lưới quốc gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đẩy mạnh. Người dân đồng thuận góp tiền, công sức cùng nguồn lực đầu tư của cấp trên xây dựng nhà văn hóa, bê tông hoá đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường…

z5451941067170_38fb0cc5844f781c1737db4de59f51bd.jpg
Cán bộ, Nhân dân Khuổi Cuồng dâng hương, hoa lên Bác tại điểm di tích lịch sử nhân dịp mừng Đảng, mừng Xuân 2024.

73 năm qua, với sự thành kính và nhớ ơn Bác sâu sắc, cán bộ và Nhân dân Khuổi Cuồng luôn nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hình ảnh và những lời chỉ dạy của Người năm xưa mãi là niềm tự hào, khích lệ để mỗi người dân nơi đây nỗ lực hơn trong học tập, lao động và sản xuất.

Dù là di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng đến nay điểm di tích nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, đồng bào ở Khuổi Cuồng vẫn chưa được đầu tư để xứng tầm với ý nghĩa lịch sử vốn có. Nhằm phát huy giá trị giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, người dân Khuổi Cuồng mong muốn cấp trên quan tâm đầu tư hơn nữa để tôn tạo điểm di tích lịch sử quan trọng này./.

Xem thêm