Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khá sau những tháng khó khăn

BBK - Sau những tháng khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã bắt đầu khôi phục với những tín hiệu tích cực.
Chì thỏi, kẽm oxit dạng bột là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp Bắc Kạn Ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn

Chì thỏi, kẽm oxit dạng bột là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp Bắc Kạn

Ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, 6 tháng đầu năm tình hình xuất nhập khẩu của tỉnh khá ảm đạm, tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng chung của cả nước. Kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh đạt 11,0 triệu USD, đạt 28,57% kế hoạch năm 2023, bằng 54,37% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 triệu USD, bằng 54,03% so với cùng kỳ năm trước và kim ngạch nhập khẩu đạt 3,5 triệu USD, bằng 55,11% so với cùng kỳ năm trước.

Khó khăn nhất là trong tháng 7 năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm mạnh, chỉ đạt 2,167 triệu USD, giảm 13,5% so với tháng trước, giảm 20,3% so với tháng cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu đạt hơn 1,869 triệu USD, nhập khẩu đạt gần 0,298 triệu USD).

Nguyên nhân của tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt thấp, giảm khá cao so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu do sụt giảm lượng xuất khẩu hàng hóa là do kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu nhập khẩu ở các quốc gia giảm, Hoa Kỳ chưa có kết luận chính thức vụ điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam có nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên bước sang tháng 8, tình hình xuất nhập khẩu của tỉnh có những tín hiệu tốt, tăng trưởng trở lại đạt kết quả khá. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 8 năm 2023 đạt 5,067 triệu USD, tăng 133,8% so với tháng 7; tăng 18,39% so với tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2023 đạt 18,077 triệu USD, đạt 46,95% kế hoạch năm 2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2023 đạt 20,380 triệu USD, đạt 52,94% kế hoạch năm 2023.

Mặt hàng gỗ dán ép của Bắc Kạn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ

Mặt hàng gỗ dán ép của Bắc Kạn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ

Ông Trần Nông Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bắc Kạn cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp duy trì thường xuyên hoạt động xuất nhập khẩu. Hàng hoá chủ yếu là nông sản, lâm sản, kẽm oxit dạng bột, chì thỏi thô, Cadimi chưa gia công. Nguồn thu thuế xuất khẩu tập trung vào các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu là kim loại chì thỏi thô, kẽm oxit dạng bột, Cadimi chưa gia công như Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn; Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn; Công ty TNHH Kim loại Á Âu…

Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu là Veneer nguyên liệu làm lớp mặt, máy móc thiết bị, vật tư dùng trong sản xuất gỗ dán ép, chế phẩm hoá học, bột cobalt oxide thương phẩm sử dụng làm nguyên liệu sản xuất kẽm oxit, luyện chì kẽm…

Từ đầu năm đến nay Chi cục Hải quan Bắc Kạn đã giải quyết 240 tờ khai hải quan xuất nhập khẩu, tổng thu ngân sách đến 14/9/2023 trên 23 tỷ đồng, đạt 106% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (22 tỷ đồng), đạt 93% so với chỉ tiêu UBND tỉnh Bắc Kạn giao (25 tỷ đồng) trong năm 2023.

Cũng theo ông Kiên, sở dĩ từ tháng 8 trở lại đây hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả khá vượt bậc so với các tháng trước là do các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động tìm kiếm đối tác để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, các cơ quan quản lý nhà nước khối Tài chính đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách…Trong tháng 7/2023 chỉ có 10 tờ khai hàng hoá, thì sang tháng 8 có 40 tờ khai hàng hoá xuất nhập khẩu được mở tại cơ quan Hải quan.

Thực hiện chiến lược xuất khẩu hàng hoá, hiện nay tỉnh đã có một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Cộng hòa Séc bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường các nước. Cùng với sự ra đời của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, đã tạo nhiều cơ hội, tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong đó có Bắc Kạn và các nước đối tác, do vậy trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tận dụng tối đa các ưu đãi, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do trên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa./.

Xem thêm