Tổ chức FAO đã cấp Giấy chứng nhận hữu cơ cho Tổ hợp tác sản xuất hữu cơ Yên Phong 2 tại thôn Nà Chợ, diện tích 8,5ha, đây là tổ hợp tác thứ 2 trên địa bàn xã được cấp chứng nhận hữu cơ.
Xã Yên Phong có diện tích lúa cả năm là 318ha, cấy 2 vụ chính, từ năm 2023 xã đã có 8,26ha lúa ở thôn Phiêng Quắc, Pác Tong, Pác Là được cấp giấy chứng nhận hữu cơ và đến nay diện tích này vẫn được duy trì.
Năm 2024, mô hình tiếp tục được chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ 2 vụ với diện tích 8,5ha tại thôn Nà Chợ với 36 hộ tham gia, mô hình sử dụng lúa Nhật J02, các hộ tự đối ứng 100% vật tư nông nghiệp.
Như vậy tính đến nay, xã Yên Phong đã có hơn 16ha ruộng của 2 tổ hợp tác được tổ chức FAO cấp giấy chứng nhận hữu cơ. Đây cũng là vùng có diện tích hữu cơ lớn nhất tỉnh Bắc Kạn tính đến nay.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham quan đầu bờ, thảo luận về ưu, nhược điểm khi áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ. Theo đó, khi sử dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón Quế lâm, chế phẩm sinh học phun phòng trừ, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, thân lá cứng cáp, tỷ lệ chắc hạt cao.
Qua đánh giá, hiệu quả kinh tế đạt 3.000.000 đồng/1.000m2, giá bán thóc tại chỗ hơn 12.000 đồng/kg thóc khô, 25.000 đồng/kg gạo, mô hình thân thiện môi trường, góp phần cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe con người.
Các đại biểu tham dự hội thảo trao đổi về thuận lợi, khó khăn từ khâu sản xuất, chế biến, cải thiện mẫu mã bao bì; duy trì tốt những diện tích hiện có; tiếp tục có cơ chế chính sách khuyến khích người dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ; hỗ trợ việc cấp lại giấy chứng nhận hữu cơ khi hết thời hạn; tăng cường việc quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm…/.