Ký ức không quên về niềm vui trên đường ra trận

BBK - Trò chuyện với các cựu chiến binh, dân công hỏa tuyến từng tham gia, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, chúng tôi bất ngờ thú vị bởi không phải ký ức nào về chiến tranh cũng đầy tiếng súng và khói bom mà còn có cả niềm vui, rộn rã tiếng cười lạc quan và khí thế của tuổi trẻ trên đường ra trận.

Khi biết tôi đến hỏi thăm, tìm gặp cụ Vũ Văn Tuất, sinh năm 1934 ở tổ 5 phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn – là dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, ông Hoàng, con trai cụ Tuất vui vẻ nhấc điện thoại gọi mời bố xuống nhà gặp khách.

photo_2024-05-07_17-43-54.jpg
Cụ Vũ Văn Tuất, dân công hỏa tuyến tham gia trực tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây hơn 70 năm.

Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và nụ cười luôn nở trên môi, cụ Vũ Văn Tuất niềm nở bắt tay chào khách. Chỉ những chiếc xe đạp được trưng bày trong nhà, cụ cho hay có niềm đam mê lớn với xe đạp. Cách đây hơn 70 năm, cụ đã mua được xe đạp khung nam.

“Tôi tuyển lựa đổi chác rất kỹ mới chọn được một chiếc khung xe ưng ý. Cái khung là bộ phận đặc biệt quan trọng đối với một chiếc xe đạp. Chiếc xe đó cùng tôi đèo muối từ vùng giáp Núi Đôi, Đa Phúc cho đến khu Trại Cờ Bắc Giang đem về Bắc Kạn bán”…

Một ngày tháng 2/1954, chàng thanh niên Vũ Văn Tuất nhận được thông báo đi học chính sách để chuẩn bị tham gia dân công hỏa tuyến. Sau đó, ông cùng các đội viên lên khu gốc Sổ, gần km6 hướng đi Cao Bằng để tập kết, nghe phổ biến nhiệm vụ. Theo thông báo, mọi người mang đủ quần áo, nồi niêu theo, đồ đoàn sửa xe. Nghe phổ biến nhiệm vụ xong, khoảng 20h cả đoàn lên đường luôn. Chiếc xe đạp thồ muối hằng ngày theo ông Tuất đạp xuôi QL3 về Bờ Đậu, Phú Lương, Thái Nguyên.

Đơn vị dân công của ông Vũ Văn Tuất thồ gạo từ kho ở Tuyên Quang sang Yên Bái, lên Sơn La. Có lần đưa gạo qua phà Ô Lâu sang Sơn La, đi cả đêm nhưng gặp đoàn vận chuyển pháo qua phà nên phải đợi, lại đưa gạo về kho, hai hôm như vậy mới bàn giao được hàng.

“Vóc người như tôi thì thồ khoảng 80kg, người khỏe hơn thì 100kg. Có người thồ được tới 300kg/chuyến. Mỗi chuyến xe khi lên dốc thường phải có tất cả 5 người hỗ trợ. Mỗi tốp 4 xe để giữ khoảng cách, tránh thiệt hại nếu gặp máy bay. Khi xuống dốc còn vất vả hơn, chúng tôi chặt cành cây to buộc sau xe, chặt cây chuối để chẹn thay phanh ở hốc bánh trước, bánh sau”. Địch dùng máy bay bắn phá ác liệt để chặn đường tiếp tế của ta. Do vậy dân công ngày nghỉ, đêm đi. Dù vất vả nặng nhọc nhưng cứ nghỉ ngơi một chút là lại hát hò rất rôm rả- cụ Vũ Văn Tuất cho hay.

photo_2024-05-07_17-43-25.jpg
Sau khi bán chiếc xe thồ từng tham gia tải hàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Vũ Văn Tuất mua chiếc xe đạp khung nữ để đi tham gia HTX may mặc và giữ được chiếc xe đó 70 năm nay.

Đi làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến được gần 3 tháng thì Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chàng dân công 20 tuổi lại cùng chiếc xe thồ trở về Bắc Kạn. Hòa bình rồi, cụ Vũ Văn Tuất không làm nghề thồ hàng nữa. Cụ bán chiếc xe khung nam đó đi, thêm tiền mua một chiếc xe khung nữ hiệu Follis, tham gia hợp tác xã, chuyên về may mặc… Chiếc xe khung nữ đó sau 70 năm, đến giờ cụ vẫn còn giữ, sơn sửa bóng loáng, vẫn còn sử dụng tốt nhưng sức khỏe không cho phép nên cụ chỉ đạp được xe tự chế 3 bánh…

Trong ngôi nhà tại tổ 10B, phường Đức Xuân, chúng tôi gặp lại cụ Nguyễn Duy Bình, sinh năm 1931, chiến sĩ Điện Biên. Trái với hôm đầu tiên gặp cụ, dịp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đến thăm, tặng quà, do xúc động cụ không nói được gì nhiều. Hôm nay, cuộc trò chuyện của chúng tôi cùng cụ và các anh chị con của cụ rôm rả tiếng cười, tiếng hát.

photo_2024-05-07_17-43-501.jpg
Tác giả nghe cụ Nguyễn Duy Bình, chiến sĩ Điện Biên kể lại những kỷ niệm trong chiến dịch lịch sử cách đây 70 năm.

Trước khi đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Nguyễn Duy Bình là chiến sĩ Tiểu đoàn 681 phòng không, chuyên bảo vệ vòng ngoài cho ATK Định Hóa, Thái Nguyên- nơi ở và làm việc của Bác Hồ, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều cơ quan đơn vị tại chiến khu cách mạng. Cũng tại đây, đơn vị cụ từng bắn rơi một chiếc máy bay địch.

Khoảng tháng 3/1954, nhận lệnh trên, cụ Bình cùng đơn vị hành quân lên tăng cường phòng không, chống máy bay phá đường vận tải lên trận địa Điện Biên Phủ. Đơn vị cụ hành quân mấy ngày đêm, mệt thì ngủ dưới gốc cây. Dân bản xứ biết bộ đội hành quân đi đánh Tây thì quý mến lắm, biếu gạo nếp thơm ngon để bộ đội nấu xôi ăn.

Cụ Bình kể, đường hành quân vui như trảy hội. Nườm nượp bộ đội, dân công hướng về trận đánh giai đoạn cuối mang tính quyết định của chiến dịch. Khí thế bộ đội ta rất cao. Một lần trải chỗ nằm ngủ dưới gốc cây, các nam nữ dân công cất câu hò tinh nghịch mời bộ đội dừng chân nghỉ cùng. Cụ Bình cũng cất câu hò đối lại, rằng “Bộ đội mà gặp dân công, như cá gặp nước như rồng gặp mây, hò lơ, hó lơ… lắng tai nghe tiếng ai hò lờ”… Các cô dân công cười khúc khích hò lại hỏi “Vậy chứ còn gặp thằng Tây thì các anh thế nào?”. Ngay lập tức, cụ Bình và đồng đội hò đáp: “Bộ đội mà gặp thằng Tây, như sói gặp hổ như… chày giã cua”- ý là gặp thằng giặc Tây sẽ giã cho chúng một trận tơi bời- cụ Bình cất lời vừa hò vừa giải thích.

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Bình- chiến sĩ Điện Biên năm nay đã bước sang tuổi 94 vẫn nhớ như in và thuộc làu bài hát “Chiến thắng Điện Biên” mà cụ cùng đồng đội đã hát sau khi toàn thắng.

Cụ Nguyễn Duy Bình kể: Lúc đó toàn thanh niên mười chín đôi mươi, không bao giờ nghĩ đến mối lo sợ khi gặp địch mình sẽ sống chết như thế nào. Mà chỉ thích được nhanh chóng ra trận, tinh thần quân ta cao lắm. Đơn vị cụ qua đèo Pha Đin, đến Tuần Giáo, lập trận địa phòng không cách trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ chừng 15-20km để chống máy bay ném bom phá đường. Pháp lúc đó tinh thần hoang mang rồi, chúng chỉ thả bừa bom lấy lệ rồi chuồn. Hơn một tháng sau, ngày 07/5/1954, tin thắng trận truyền về. Những ngày sau đó, cụ Bình và đồng đội cùng các đơn vị khác vừa hành quân vừa hát vang cả cánh rừng bài hát “Chiến thắng Điện Biên”. Ca khúc này được nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết ngay trong đêm 07/5/1954, nhanh chóng được bộ đội ta học thuộc và hát trên đường hành quân vào tiếp quản các trận địa.

Câu chuyện của các cụ từng là dân công hỏa tuyến, chiến sĩ Điện Biên cách đây 70 năm khiến chúng tôi bất ngờ và xúc động. Bởi không phải cuộc chiến nào cũng chỉ toàn ký ức về tiếng đạn bom. Mà đường ra trận còn đẹp ngời rộn rã tiếng hát, tiếng cười của niềm lạc quan và khí thế quyết tâm ra trận diệt địch. Chính những niềm vui giản dị ấy cũng góp phần cùng toàn dân, toàn quân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đi vào trang sử vàng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc./.

Xem thêm