Na Rì mở rộng diện tích trồng quế

Mấy năm trở lại đây, cây quế đang được nhiều hộ dân huyện Na Rì chú trọng mở rộng diện tích, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cao từ cây lâm nghiệp này.

Mấy năm trở lại đây, cây quế đang được nhiều hộ dân huyện Na Rì chú trọng mở rộng diện tích, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cao từ cây lâm nghiệp này.

Anh Triệu Văn Tuấn, Trưởng thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư cho biết: Nhận thấy cây quế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai của địa phương, bà con ngày càng chú trọng mở rộng diện tích. Riêng thôn Khuổi Ít hiện đã có gần 40ha quế. Sau khi hoàn thành gieo cấy mùa vụ, bà con lại lên rừng phát cỏ, chặt tỉa cây che bóng giúp quế phát triển tốt. Cán bộ xã cũng phối hợp với ngành chuyên môn huyện thường xuyên tuyên truyền bà con kiểm tra, hướng dẫn cách chăm sóc và kịp thời phát hiện bệnh hại nên diện tích cây quế của thôn phát triển rất tốt, nhiều diện tích đã có thể tỉa cành, lá cho HTX chưng cất tinh dầu quế. Bà con đang rất hy vọng các đối tác hợp đồng tiêu thụ ổn định để xưởng chiết xuất hoạt động hiệu quả, thu mua sản phẩm cành, lá quế để bà con có thu nhập ổn định.

Hàng trăm héc-ta diện tích rừng trồng quế của xã Kim Lư đang phát triển rất tốt
Hàng trăm héc-ta quế của xã Kim Lư đang phát triển tốt.

Trưởng thôn Khuổi Ít dẫn chúng tôi đi dọc theo hồ Khuổi Khe, những cánh rừng quế 5-6 năm tuổi cao qua đầu người, cành lá xum xuê, ngút ngàn màu xanh và mùi tinh dầu thơm ngào ngạt. Cây quế phát triển tốt nhờ hợp thổ nhưỡng đất đai, để có thể trở thành cây xóa nghèo bền vững trong nay mai.

Na Rì trồng cây quế từ năm 2014. Những năm qua, huyện đã tổ chức cho cán bộ, người dân đi tham quan về trồng, chăm sóc quế tại tỉnh Yên Bái. Năm 2015, Na Rì trồng được gần 500ha quế, tập trung tại các xã Liêm Thủy, Kim Lư, Vũ Loan, Văn Minh… Năm 2016, huyện hỗ trợ người dân tham gia dự án trồng quế với mức 1 triệu đồng/ha; đối với các hộ tự đầu tư trồng được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để mua cây giống. Đến nay, toàn huyện có khoảng hơn 700ha quế. Riêng xã Kim Lư có trên 140ha quế 5-6 năm tuổi, hiện là xã trồng nhiều quế nhất của huyện Na Rì.

Để tinh dầu quế thành sản phẩm OCOP, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, mới đây huyện Na Rì đã thành lập HTX Cộng đồng Khuổi Khe đặt ở thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư. Xưởng chiết xuất tinh dầu quế của HTX vận hành thử và đã chiết xuất thành công sản phẩm. Thời gian tới, HTX sẽ tập trung sản xuất, chế biến tinh dầu quế, đồng thời phát huy tiềm năng phát triển cây quế gắn với du lịch sinh thái cộng đồng. Hiện HTX đã có 4 đơn vị đối tác ở Hà Nội, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Bắc Kạn đăng ký bao tiêu sản phẩm.

Xưởng chiết xuất tinh dầu quế được lắp đặt tại HTX Khuổi Ít, xã Kim Lư
Xưởng chiết xuất tinh dầu quế được lắp đặt tại HTX Khuổi Ít, xã Kim Lư.

Quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, ở cây trưởng thành có thể cao trên 15m. Toàn bộ thân, cành, rễ và lá của cây quế đều có thể chưng cất tinh dầu, làm thuốc, làm gia vị. Cây quế sau khi trồng từ 3-4 năm có thể tỉa lá, cành bán chưng cất tinh dầu; từ 6 - 7 năm có thể khai thác bóc vỏ. Quế không những có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa, đồng thời, là cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo.

Trước đây, cây quế chỉ bán được vỏ, hiện nay, thân, cành, lá đều được tận dụng. Ở những địa phương phát triển cây quế, vỏ quế và các sản phẩm phụ như quế chi, quế vụn cũng bán được cho các cơ sở chế biến tinh dầu. Thân quế sau khi bóc vỏ có đường kính từ 15cm trở lên, bán cho các cơ sở chế biến gỗ làm bao bì... Theo tính toán của ngành chuyên môn, ước tính giá trị kinh tế trên diện tích trồng 1 ha quế (15 năm) đạt 580 triệu đồng, giai đoạn tỉa thưa sẽ thu cành, lá, vỏ; giai đoạn khai thác năm cuối sẽ thu cả cành, lá, vỏ và thân gỗ. Lợi nhuận trung bình người dân trồng quế thu được ước tính mỗi năm đạt 38,7 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn 2 lần so với trồng cây gỗ khác (mỡ, keo).

Anh Triệu Văn Toàn, một hộ dân ở thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư cho biết: Quế trồng 5 năm trở lên có giá 150-200 triệu đồng/ha, người mua tự khai thác. Gia đình anh có 3,7ha quế 6 năm tuổi, hiện nay đã có người chào mua giá 450 triệu đồng.

Tuy nhiên, để phát triển cây quế một cách bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao, tỉnh, huyện Na Rì cần xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư, phát triển các cơ sở sơ chế vỏ quế và thủ công mỹ nghệ từ cây quế; có cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu sản phẩm tinh dầu quế, tiêu thụ sản phẩm cho người trồng quế. Như vậy người dân sẽ yên tâm trồng, phát triển vững chắc diện tích quế và đem lại hiệu quả lâu dài, góp phần xoá đói nghèo.

Cùng với đó, huyện mời gọi đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, bao gồm đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ và công nghệ sản xuất giống, hỗ trợ xây dựng hệ thống đường vận chuyển trong vùng nguyên liệu. Hướng dẫn người dân khai thác hợp lý để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cây quế. Tránh tận thu quá mức, khai thác ồ ạt, thậm chí khai thác trắng cả những diện tích quế còn non; chặt cây, tỉa cành không khoa học, tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng… Tăng cường gắn kết 4 nhà để đảm bảo ổn định đầu ra cho cây quế; phát triển vùng trồng quế gắn với du lịch cộng đồng hiệu quả như mục đích hướng tới, đưa quế trở thành cây giảm nghèo bền vững trong tương lai./.

Tùng Vân
 

Xem thêm