Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ

0:00 / 0:00
0:00
BBK -Bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Bắc Kạn được nâng cao về chất lượng, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2022 và 4 tháng đầu năm, MTTQ các cấp chủ trì tổ chức hàng chục cuộc lấy ý kiến phản biện xã hội vào các dự thảo nghị quyết, văn bản...

Năm 2022 và 4 tháng đầu năm, MTTQ các cấp chủ trì tổ chức hàng chục cuộc lấy ý kiến phản biện xã hội vào các dự thảo nghị quyết, văn bản...

Theo lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, kế thừa kết quả đạt được từ các năm trước, MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp tiến hành giám sát, phản biện xã hội hằng năm; xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm sát với những nội dung mà người dân quan tâm, bức xúc. Sự phối hợp giám sát giữa MTTQ với các tổ chức chính trị - xã hội, giữa MTTQ với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp gắn kết hơn, khắc phục sự trùng chéo.

Thực hiện chủ đề năm 2022 là “Năm đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội”, MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp ủy phê duyệt; đồng thời, tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện các nội dung giám sát để tránh chồng chéo, trùng lắp. Để nâng cao chất lượng hoạt động, Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành kế hoạch công tác giám sát và phản biện xã hội của cả năm; phối hợp tổ chức tập huấn trực tuyến chuyên sâu 4 chuyên đề về nghiệp vụ và kỹ năng công tác giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

MTTQ các cấp đã thành lập và tổ chức giám sát 52 cuộc. Trong đó, cấp tỉnh chủ trì giám sát 03 cuộc (việc thực hiện Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của HĐND tỉnh về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2025); MTTQ cấp huyện chủ trì giám sát 20 cuộc; cấp xã chủ trì giám sát 29 cuộc. Sau mỗi đợt giám sát, MTTQ các cấp gửi kiến nghị đến cấp ủy, chính quyền, đối tượng giám sát và các ngành liên quan xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định.

Công tác phản biện xã hội tiếp tục được đổi mới. Trong đó, chủ động lựa chọn, đăng ký phản biện đối với những dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước cùng cấp có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, MTTQ các cấp chủ trì tổ chức hàng chục hội thảo lấy ý kiến phản biện xã hội vào các dự thảo nghị quyết, văn bản, phương án quy hoạch... Trong đó, phải kể đến: Dự thảo quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn... Nội dung phản biện đã được cấp ủy, chính quyền và các cơ quan xây dựng dự thảo tiếp thu tối đa, là cơ sở để các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn đời sống.

Thực tế cho thấy, thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét, góp phần quan trọng vào đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng góp phần thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Trong thời gian tiếp theo, MTTQ các cấp tập trung đổi mới hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về giám sát và phản biện. Chú trọng theo dõi, đôn đốc kịp thời việc tiếp thu, phản hồi ý kiến của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.../.

Xem thêm