Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào dân tộc thiểu số

BBK- Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian và tình cảm về với tất cả các tỉnh, thành vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ các chuyến đi ấy, Tổng Bí thư đã cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương có sự phát triển về lý luận mang tầm chiến lược, mang tính đột phá trong giải quyết vấn đề dân tộc.

Trái tim chúng tôi quặn đau khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Với tư cách là một nhà báo theo dõi lâu năm công tác dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) và với tư cách một giảng viên môn Lịch sử Đảng, hai chúng tôi cùng ngồi vào bàn làm việc, mở máy tính tra cứu lại thông tin về các chuyến thăm, làm việc của Đồng chí tại 52 tỉnh, thành phố trong vùng như một cách để tưởng nhớ Tổng Bí thư.

Các tra cứu của chúng tôi đã cho thấy: Trong 12 năm, từ chuyến đi đầu tiên (tháng 9/2011) tới tỉnh Thanh Hoá đến chuyến đi cuối cùng (tháng 9/2023) tại tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư đã đến thăm tất cả 52 tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS&MN. Thật khâm phục và ngưỡng mộ sức làm việc phi thường của người đứng đầu Đảng ta. Dù vô cùng bận rộn với biết bao công việc đối nội, đối ngoại của quốc gia, của người đứng đầu Đảng cầm quyền, thậm chí ngay cả khi đã ngoài 79 tuổi, Tổng Bí thư vẫn dành thời gian về với vùng đồng bào. Từ các chuyến đi ấy, Tổng Bí thư đã cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục lãnh đạo thực hiện đường lối đúng đắn về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc của Đảng ta, đồng thời có sự phát triển về lý luận mang tầm chiến lược, mang tính đột phá cho lĩnh vực này.

Gần dân, sát dân, lắng nghe tiếng nói của dân, cùng dân tìm hướng phát triển

Trong các chuyến thăm vùng đồng bào DTTS&MN, có những chuyến do địa phương bố trí, có những chuyến Tổng Bí thư xuống thẳng với đồng bào trước khi làm việc với lãnh đạo địa phương. Dù theo cách nào thì hầu hết những nơi mà Tổng Bí thư trực tiếp xuống thăm đều là những xã, thôn đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ đồng bào DTTS và hộ nghèo rất cao. Điều đó cho thấy tình cảm thương yêu vô bờ bến của Tổng Bí thư với đồng bào DTTS ở những nơi xa xôi nhất, nghèo nhất, khó khăn nhất. Và những cái nắm tay, những nụ cười rạng rỡ khi đón Tổng Bí thư là hình ảnh vô cùng đẹp, là cảm nhận của đồng bào về sự giản dị, gần gũi, chân tình, luôn gần dân, sát dân, lắng nghe tiếng nói của dân của người đứng đầu Đảng ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm một hộ đồng bào dân tộc Thái ở bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá (Ảnh: Tư liệu)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm một hộ đồng bào dân tộc Thái ở bản Sáng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá (Ảnh: Tư liệu)

Có thể nhắc lại chuyến đi của Tổng Bí thư tới bản Khằm I (xã Trung Lý) của đồng bào dân tộc Mông; bản Sáng (xã Quang Chiểu) của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa năm 2011; chuyến đi đến với đồng bào các DTTS: Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy, Pa Kô ở xã vùng cao Hồng Hạ, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; chuyến đi đến với đồng bào dân tộc Raglai ở xã Phước Đại, huyện nghèo Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận năm 2014; chuyến đi đến với nhân dân xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) - nơi có 100% dân số là đồng bào DTTS, trong đó 88% số hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn năm 2017…

Ở những nơi đến thăm, trong không khí thân tình, cởi mở, dân chủ, Tổng Bí thư đều dành nhiều thời gian trò chuyện với đồng bào về sản xuất, đời sống... Tổng Bí thư luôn quan sát tinh tường, vui cùng niềm vui của đồng bào trước mỗi thành quả đạt được. “Tôi thấy trụ sở hành chính đơn giản nhưng trường học, trạm xá, đường giao thông kiên cố, sạch đẹp… như vậy thật đáng mừng; thấy khẩu khí của cán bộ và nhân dân nơi đây phấn khởi, mừng rỡ”, Tổng Bí thư đã tâm tình như thế với đồng bào xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ở những nơi đến thăm, Tổng Bí thư luôn căn dặn bà con những việc làm cụ thể, gần gũi mà ai cũng dễ hiểu, dễ làm theo như: không sa đà vào rượu chè, cờ bạc, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch…

Ở những nơi đến thăm, vui cùng đồng bào trước mỗi thành tựu đạt được nhưng điều mà Tổng Bí thư cũng luôn day dứt đó là vì sao tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn rất cao so với bình quân chung của cả nước. Tổng Bí thư đã cùng đồng bào thảo luận, phân tích, tìm hiểu đến tận cùng nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc phục. Chẳng hạn tại xã Ayun, nhất trí với bà con thiếu nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Phải giải quyết cho được vấn đề thuỷ lợi, ở đây chính là nước ăn uống và đặc biệt là nước sản xuất”; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh dự án xây dựng công trình thuỷ lợi Plei Keo, tạo điều kiện cho đồng bào có nước sinh hoạt, sản xuất, trước hết là phục vụ sản xuất cho 500 ha đất nông nghiệp.

Cùng bà con truy đến tận cùng các nguyên nhân khách quan, Tổng Bí thư cũng gợi mở nhiều giải pháp để đồng bào có thể thoát nghèo bền vững. Đó là cần nâng cao dân trí, thay đổi cách nghĩ, cách làm, có ý chí mạnh mẽ vươn lên, quyết không chịu đói nghèo. “Trong báo cáo của xã có tổ chức hàng loạt cuộc vận động, trong đó tôi để ý có cuộc vận động thay đổi cách nghĩ, nếp làm trong đồng bào DTTS, để từng bước thoát nghèo bền vững. Chúng ta phải tự đổi mới, nâng cao trình độ lên, vươn lên, nghĩ xa hơn nữa” - lời căn dặn sâu sắc của Tổng Bí thư không chỉ đúng với đồng bào xã Ayun mà còn phù hợp với đồng bào DTTS ở khắp mọi miền Tổ quốc và mãi giữ nguyên tính thời sự theo thời gian.

Đến những quyết sách lịch sử vì sự phát triển bền vững của vùng đồng bào DTTS&MN

Là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học chuyên ngành Xây dựng Đảng và từ tháng 1/2011 trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, để tiếp nối lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Bác kính yêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nghiên cứu tư tưởng Chí Minh. Sinh thời, trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.

Năm 2018, Đảng ta cho chủ trương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Quá trình tổng kết từ cơ sở cho thấy công tác dân tộc còn không ít khuyết điểm, hạn chế. Một số mục tiêu quan trọng Nghị quyết đề ra nhưng chưa thực hiện được. So với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục; còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Sau khi hoàn thành việc tổng kết, năm 2019, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trong Kết luận yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế từ cây chè của đồng bào dân tộc thiểu số xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Tư liệu)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế từ cây chè của đồng bào dân tộc thiểu số xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Tư liệu)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà thường xuyên, trực tiếp là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên cơ sở Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88/QH14 ngày 18/11/2019 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Đề án đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; thể chế hóa quy định tại Điều 5 Hiến pháp 2013: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Tiếp đó, ngày 19/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, làm căn cứ để ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Tháng 1/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tiến hành. Tổng Bí thư là Trưởng Tiểu ban Văn kiện. Tư tưởng lãnh đạo của Tổng Bí thư về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc cho giai đoạn 2021 - 2025 được thể hiện trong Văn kiện Đại hội, đó là: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào DTTS. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Bảo vệ và phát triển dân số các DTTS có dưới 10.000 người, đặc biệt là những DTTS có nguy cơ suy giảm giống nòi”.

Không lâu sau Đại hội XIII, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong bài viết, Tổng Bí thư đã phân tích và nêu rõ: một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là “các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”…

Để thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, dưới sự lãnh đạo của nhà lý luận xuất sắc hàng đầu của Đảng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ năm 2019 đến 2021, hệ thống các quan điểm, đường lối về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng ta liên tục được hoàn thiện. Có lẽ chính những chuyến công tác về với các tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN, trực tiếp chứng kiến những khó khăn mà đồng bào đang còn phải rất vất vả để vượt lên, cộng với trái tim nhân hậu, hết lòng thương dân, để rồi trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư chính là hạt nhân lãnh đạo hình thành và phát triển một quan điểm đột phá, đó là đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN chính là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Quan điểm đột phá này đã tạo tiền đề cho việc Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ ban hành những quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn từ 2019 - 2021, thể hiện mạnh mẽ quan điểm và quyết tâm thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh để “miền núi tiến kịp miền xuôi”, tạo ra xung lực, cơ hội mới để vùng đồng bào DTTS&MN phát triển toàn diện, bền vững.

Từ đường lối lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng sâu đậm, thể hiện qua con số “khổng lồ” chưa từng có, dự kiến khoảng 137 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao). Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 98,6%. Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 89,5% (vượt so với mức 70% mục tiêu kế hoạch giao). Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 91,4%. Tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 95,7%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 98,9%. Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94% (vượt so với mức 90% mục tiêu kế hoạch giao). Tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình đạt 94,9%. Tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh đạt 94%... Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững, ổn định; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường... Những thành tựu đó cho thấy đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đang dần được hiện thực hoá ở vùng đồng bào DTTS&MN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giản dị, gần gũi ân cần thăm hỏi cuộc sống của thương binh Đinh Phi ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai (Ảnh: Lê Trí Dũng - TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giản dị, gần gũi ân cần thăm hỏi cuộc sống của thương binh Đinh Phi ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai (Ảnh: Lê Trí Dũng - TTXVN)

Do tính chất công việc thường xuyên phải theo dõi các thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc và vùng DTTS&MN, chúng tôi có cơ hội được xem hàng trăm, hàng nghìn bức ảnh chụp phản ánh về những chuyến đi của Tổng Bí thư đến với đồng bào. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với tác phẩm ảnh "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai" của tác giả Lê Trí Dũng - Thông tấn xã Việt Nam. Bức ảnh chụp lại một khoảnh khắc trong chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Gia Lai, ngày 12/4/2017.

Như tác giả chia sẻ: "Bức ảnh này tôi chụp khi Tổng Bí thư vào thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun. Hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng giản dị ngồi trên bậu cửa, nắm tay, tặng quà và ân cần hỏi thăm cuộc sống của thương binh Đinh Phi gây ấn tượng mạnh với bà con địa phương và đoàn công tác bởi sự gần gũi, thân thiết, gắn bó với người dân. Tác phẩm đã gửi đi thông điệp về sự gắn bó giữa Đảng với dân. Càng gần gũi, càng giản dị, càng chân thành thì dân càng tin Đảng".

Chúng tôi cũng nhớ chuyến công tác của mình tới vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu ở xã đặc biệt khó khăn Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ở đó, chúng tôi đã gặp ông Giàng A Châu - người có hơn 20 năm làm Bí thư, Chủ tịch UBND xã, “cây cổ thụ” của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Ông Châu khẳng định chắc nịch, xã đã được đầu tư xây dựng trạm y tế, trường học đạt chuẩn, đường giao thông được nhựa hoá tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, giao thương, đi lại thuận lợi. Đồng bào đang có cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn. Tất cả là nhờ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rời xa nhân thế về với Các Mác, Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song sự uyên bác trong nghiên cứu, phát triển và vận dụng đúng đắn lý luận về giải quyết vấn đề dân tộc của các bậc tiền bối chính là di sản quý báu mà Tổng Bí thư để lại cho chúng ta. Di sản đó đang được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức thực hiện để mở ra tương lai mới tốt đẹp hơn cho vùng đồng bào DTTS&MN trên con đường phát triển bền vững.

Xin được bày tỏ lòng biết ơn và kính cẩn nghiêng mình trước một nhân cách lớn, cả đời thanh bạch, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; một trái tim vĩ đại luôn đau đáu hết mình để sự phát triển nhanh, bền vững của vùng đồng bào DTTS&MN trở thành hiện thực./.

Nhà báo Phương Liên
T
iến sĩ Lý Thị Thu

Xem thêm