Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh

BBK - Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, mà trước hết là của cấp uỷ đảng và người đứng đầu cấp ủy các cấp; phương châm thực hiện vừa là tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh, trong đó phòng ngừa là cơ bản.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”.

Mặt khác, Người còn chỉ rõ một cách rành mạch, rõ ràng khái niệm tham ô, một biểu hiện đặc trưng điển hình của tệ tham ô: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư; Đục khoét của nhân dân; Ăn bớt của bộ đội; Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô; Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta trong thời gian qua đã thực hiện quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Trong các giải pháp đưa ra nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giải pháp hàng đầu là “Phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Thực hiện Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngày 20/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Kạn đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

Ngày 30/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập và ra mắt Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo đã tổ chức phiên họp thứ nhất để xem xét thông qua Quy chế làm việc, quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát năm của Ban Chỉ đạo. Sau phiên họp, Trưởng ban Chỉ đạo đã ban hành Thông báo kết luận phiên họp.

Hiện nay, hoạt động của Ban Chỉ đạo đã đi vào nền nếp, tổ chức các cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, phiên họp Ban Chỉ đạo đúng quy định để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Đồng thời lựa chọn một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực vào diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo.

Thời gian tới, để công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, gắn kết đồng bộ giữa phòng và chống, nhất là chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh. Các cấp uỷ đảng, cơ quan, đơn vị địa phương trên địa bàn tỉnh cần tập trung một số giải pháp sau:

Một là, các cấp uỷ đảng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, triển khai học tập đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về công tác này, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Hai là, cán bộ, đảng viên, lãnh đạo phải gương mẫu; nêu gương, đi đầu trong phong trào phòng chống tham nhũng, tiêu cực; cán bộ có chức vụ càng cao càng phải trong sạch, gương mẫu, tiên phong đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, giáo dục và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, trong chỉ đạo cần quyết liệt, đồng bộ; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng tiêu cực từ tỉnh đến các địa phương. Thực hiện nghiêm công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc kê khai tài sản theo quy định.

Bốn là, tiếp tục kiến nghị với Đảng, Chính phủ kịp thời tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa những bất cập, kẽ hở của các quy định để hoàn thiện đồng bộ thể chế và xây dựng chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai, tài sản, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư hạ tầng kinh tế…

Năm là, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc các cấp, Nhân dân và các cơ quan báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh./.

Xem thêm