Là người Tày ở thôn Nà Lìu, xã Quang Thuận (Bạch Thông), từ nhỏ chị Phùng Thị Sim đã say mê với làn điệu hát Then cùng với tiếng đàn Tính trầm bổng của dân tộc mình. Với sự đam mê, chị đã học hỏi các nghệ nhân đi trước rồi tham gia vào các đội văn nghệ ở địa phương đi biểu diễn ở nhiều nơi.
Từng là công chức văn hóa - xã hội của xã phụ trách mảng văn hóa thông tin nên hơn ai hết, chị Sim hiểu rõ được ý nghĩa và vai trò của việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay. Với mong muốn lan tỏa tình yêu với văn hóa của dân tộc, năm 2014 chị Phùng Thị Sim đã mở lớp dạy hát then miễn phí cho các em học sinh có đam mê với nghệ thuật hát Then, đàn Tính trên địa bàn xã Quang Thuận và Đôn Phong, nơi chị đang sinh sống và làm việc.
Chị Sim tâm sự: Hồi đầu mới mở lớp tôi gặp không ít khó khăn do các em học sinh ngày nghỉ phải ở nhà phụ giúp gia đình. Nhiều phụ huynh chưa hiểu nên chưa ủng hộ, hơn nữa do hoàn cảnh gia đình của các em còn khó khăn nên không có điều kiện mua đàn. Vì vậy, để giúp các em học sinh có điều kiện được học, chị Sim vừa vận động, thuyết phục gia đình, động viên các em có năng khiếu theo đuổi niềm đam mê, vừa vận động sự đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp, tổ chức, các dự án hỗ trợ 20 cây đàn Tính cho lớp học.
Bằng sự nỗ lực của mình chị Sim đã giúp cho nhiều em nhỏ có đam mê với hát Then, đàn Tính được theo học. Đến nay chị duy trì dạy cho 07 học sinh trên địa bàn hai xã. Vào dịp hè, chị Phùng Thị Sim thường dạy tập trung, trong năm học chị sẽ dạy online vào buổi tối cuối tuần. Không chỉ truyền dạy từng âm thanh, nốt nhạc với mong muốn khơi dậy niềm đam mê hát Then, đàn Tính, chị Sim còn giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ được vai trò của mình trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Chị Phùng Thị Sim tâm niệm: "Xã hội ngày càng phát triển, trước nhiều thú vui giải trí và âm nhạc hiện đại, những nét văn hóa truyền thống của dân tộc có nguy cơ mai một. Vì vậy, việc tổ chức dạy miễn phí hát Then, đàn Tính cho học sinh sẽ giúp trẻ em hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc mình, hy vọng lớp trẻ sẽ tiếp nối công việc mà tôi đang làm để giữ gìn văn hóa của cha ông".
Từ chỗ còn khó khăn, bỡ ngỡ khi mới học, đến nay với sự dìu dắt của chị Sim, các học sinh đã nắm vững nốt nhạc, biểu diễn thuần thục, nhiều em đã trở thành hạt nhân trong các đội văn nghệ tại địa phương, tham gia biểu diễn nhiều chương trình, sự kiện cấp tỉnh, huyện và dành được nhiều lời ngợi khen. Lớp học miễn phí được diễn ra trong suốt 10 năm qua, đã trở thành sân chơi, nơi nuôi dưỡng niềm đam mê cho những ai có tình yêu với văn hóa dân tộc.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Phùng Thị Sim khẳng định vẫn tiếp tục duy trì lớp học dạy hát Then, đàn Tính “0 đồng” và thu hút được nhiều em học sinh vào học hơn nữa. Bên cạnh đó, chị Sim còn mong muốn những làn điệu hát Then, đàn Tính được quan tâm đưa vào sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, góp phần bồi đắp thêm tình yêu với văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ./.