Cộng đồng người Tày ở đây chủ yếu đến từ Bắc Kạn vào những năm 1980, mang theo những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Họ đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương và đặc biệt là duy trì, phát huy những làn điệu Then – di sản âm nhạc quý báu của dân tộc Tày.
Những người Tày mang theo bên mình không chỉ là những ước mơ, khát vọng mà còn là những nhạc cụ đặc trưng của dân tộc, trong đó cây đàn tính là biểu tượng cho sự giản dị mà huyền bí, vừa thân thuộc, vừa lạ lẫm.
Cây đàn tính tuy mộc mạc, nhưng âm thanh của nó có khả năng thăng hoa lời ca tiếng hát, chạm đến tận cùng cảm xúc trong trái tim người nghe. Tiếng đàn vút lên, lúc thì rộn ràng, tươi vui, lúc lại đong đầy tâm tư, da diết. Có khi âm thanh ấy như hòa vào bước chân dũng mãnh của những người lính trong những ngày tháng chiến tranh, lúc lại nhẹ nhàng, xao xuyến như lời tâm sự trong đêm vắng.
Ông Hoàng Văn Quý, 71 tuổi ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú (Đồng Nai) tâm sự: Ngày xưa, then là âm nhạc dành cho các nghi lễ thiêng liêng, mang đậm sắc thái tín ngưỡng. Điệu then thường vang lên ở những nơi trang trọng, có khi kéo dài nhiều ngày đêm. Thế nhưng, ngày nay, âm nhạc then đã trở nên gần gũi hơn, có thể được hát bất cứ lúc nào. Then được đặt lời mới dễ hát, phù hợp với sinh hoạt thường ngày. Người ta hát then sau mùa thu hoạch, khi nhớ về quê hương, khi mừng đón năm mới, hoặc để ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Then luôn được đệm theo tiếng đàn tính, cùng bộ xóc nhạc đầy sống động. Người Tày không biết hát then, không biết đàn tính, thì coi như chưa thực sự là người Tày, chưa hiểu hết bản sắc dân tộc mình.
Già làng Hoàng Minh Rưng, ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú (Đồng Nai) chia sẻ rằng đàn tính tuy rất đơn giản, chỉ cần một vỏ trái bầu khô, nhưng lại có khả năng điều khiển cảm xúc con người một cách kỳ diệu. Câu nói “điều khiển được cả con người” thật sự là một triết lý sâu sắc, phản ánh sức mạnh của âm nhạc trong việc chạm đến trái tim, tâm hồn con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi trao đổi với các văn nghệ sĩ, cũng nhấn mạnh: “Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Việt Nam có rất nhiều câu hát dân ca hay, cần phải khai thác và phát triển”. Lời của Bác Hồ càng khẳng định tầm quan trọng của âm nhạc trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, là cầu nối tinh thần giữa quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ.
Hát then – đàn tính, tuy giản đơn nhưng câu chuyện về nó thì không bao giờ hết. Càng nghe càng cuốn hút. Từ việc chọn lựa vật liệu làm đàn tính ba dây đến đàn hai dây, mỗi loại lại có một công dụng riêng: Đàn hai dây dùng cho hát “tàng bốc”, đàn hai dây khác lại dùng cho hát “tàng nặm”... Thật sự, đó không chỉ là một nhạc cụ, mà là cả một “văn hóa đàn tính” đậm đà, không thể chỉ gói gọn trong vài ba câu chuyện.
Ông Đinh Văn Truyền, trưởng ấp 7 kiêm đội trưởng Đội văn nghệ xã Tà Lài, chia sẻ: “Đàn tính có cách đánh riêng để tạo ra âm thanh hòa trộn giữa tiếng trống và tiếng gõ phách…”. Quả thực, nếu lắng nghe kỹ, ta sẽ cảm nhận được một âm giai đặc biệt, đặc trưng mà không thể lẫn vào đâu được của làn điệu then.
Dân ca Tày, với những làn điệu then, đã góp phần làm rực rỡ thêm màu sắc văn hóa Đồng Nai, tạo nên sức sống mãnh liệt cho mảnh đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Người Tày xứ Bắc mang điệu hát then đi xa, vừa để nhắc nhở mình không quên cội nguồn, vừa góp phần làm phong phú thêm văn hóa quê hương mới. Đó chính là một tư duy đầy tính nhân văn, sâu sắc.
Để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp lãng mạn và mê hồn của làn điệu then, ta phải sống cùng người Tày, nghe họ cầm đàn hát. Ta sẽ được ngắm từng cái “gõ” dây đàn, thấy ánh mắt, nụ cười, và dáng điệu “đu đưa” của người biểu diễn theo nhịp điệu bài hát – lúc đó mới cảm thấy thật sự “đã”. Nhiều người phương Nam khi nghe hát then đã phải “lắc đầu”. Đây không phải là sự phản đối hay chê bai như thông thường. Cái “lắc đầu” này chính là cách nói lên sự trầm trồ, rằng “Hay quá, không từ ngữ nào có thể diễn tả được”.
Ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, cũng có một xóm người Tày, nơi mà then Tày vẫn giữ được sức sống mãnh liệt. Khi đặt chân đến đây, ta sẽ cảm nhận ngay như mình đang bước vào quê hương của người Tày, giữa những cánh đồng lúa xanh mướt dưới chân núi. Người Tày ở đây từ bao đời nay đã gắn bó mật thiết với núi rừng; phố phường không phải là nơi hấp dẫn họ. Họ là những người tình cảm, chân thành và tin tưởng lẫn nhau như chính bản thân mình. Hiếu khách một cách mộc mạc, dễ mến, người Tày không thích kiểu khách sáo, mà thể hiện tình cảm qua những lời ca ngọt ngào, thấm đượm âm thanh đàn tính như suối nguồn thanh khiết.
Khi nghe bản “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” của cố nhạc sĩ Phạm Tuyên được thể hiện bằng giọng then và cây đàn tính của người Tày Định Quán, ta không khỏi cảm nhận được tình yêu sâu nặng đối với Người, đối với cội nguồn cách mạng, và với mảnh đất Đồng Nai. Lời ca vang lên như những hình ảnh sống động của đất nước: “Pù khuổi khau phja rặp mùa xuân ún đây mà. Nằn tàng xe pây thâng bản mấu. Heng tát tốc, tồng heng tính lượn van thương..." (Rừng núi quê ta, đẹp mùa Xuân nắng chan hòa. Thẳng đường xe bon qua bản mới. Nghe suối hát ngàn năm khúc nhạc yêu thương…). Mỗi lời ca như thấm đẫm tình yêu đối với mảnh đất, với những khó khăn và chiến đấu gian khổ của dân tộc trong những năm tháng khốn khó.
Then Tày không chỉ gắn bó với đời sống của người Tày, mà còn đang lan tỏa, mang đậm dấu ấn văn hóa vào vùng đất Đồng Nai. Mỗi khi tiếng hát then vang lên, dường như những âm vang của rừng núi Việt Bắc xa xôi lại sống dậy trong lòng người.
Thạc sĩ Phan Đình Dũng, người có tâm huyết nghiên cứu về Văn hóa Đồng Nai, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số, chia sẻ: “Then Tày, như những dân ca khác ở Đồng Nai, rất đáng quý và trân trọng. Nó cần được phát huy, phát triển; giữ được cái gốc nhưng cũng phải phù hợp với thời đại”. Anh vẫn luôn nung nấu một niềm đam mê, tiếp tục “Đi tìm câu hát then”, để giữ gìn và phát triển di sản văn hóa quý báu này.