“Thực hiện lời kêu gọi của Bộ Y tế, 16 y, bác sĩ của tỉnh Bắc Kạn đã tình nguyện đến hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng các thành viên trong đoàn đều có tinh thần ổn định, không quản ngại vất vả, hiểm nguy, an tâm công tác đến hết đợt dịch”... Đó là chia sẻ trong Nhật ký hành trình và công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 của bác sĩ Lục Văn Trường- Trưởng Đoàn công tác số 2 của tỉnh Bắc Kạn, gửi về từ Bệnh viện Dã chiến 11, TP. Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Hoàng Thị Đường- Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, Phó Trưởng đoàn công tác làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến 11, Thành phố Hồ Chí Minh. |
Ngày đầu tiên: Xuất phát tại TP. Bắc Kạn từ 7 giờ 30 phút ngày 06/9/2021, đến 16 giờ, đoàn đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi xuống sân bay, đoàn di chuyển về Bệnh viện Dã Chiến 11 (tại quận Thủ Đức) khoảng 19 giờ cùng ngày. Trước khi bắt tay vào nhiệm vụ, mỗi thành viên trong đoàn mang trong mình cảm giác vừa hồi hộp, vừa vui nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng. Đó là những ngày mẹ phải xa con, vợ xa chồng… nén lại những tình cảm ruột thịt để tập trung cho hành trình chiến đấu với kẻ thù vô hình, một cuộc chiến không súng đạn, để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc là đánh thắng đại dịch Covid-19. Đa số với mọi người đều là trải nghiệm đầu tiên. Tuy vậy, chúng tôi không hề nao núng và bỡ ngỡ, nhanh chóng thiết lập, sắp xếp công việc cũng như cuộc sống trong bệnh viện dã chiến.
Ngày thứ hai: Các bác sĩ trong đoàn được phân công thực hiện nhiệm vụ ở nhiều khoa khác nhau như: Khu A, B, C, D, E. Bản thân tôi thực hiện hiệm vụ tại Khoa cấp cứu của khu C. Ngay từ những ngày đầu tiên, xác định nhiệm vụ điều trị bệnh nhân F0 là công việc không đơn giản, do đó bản thân mỗi thành viên đều cần chuẩn xác trong từng quy trình. Các thành viên trong đoàn ngày làm việc trung bình từ 5 đến 6 tiếng; ca làm việc buổi sáng từ 7h30 đến 12h30, mỗi buổi sáng chúng tôi ăn sáng xong, nhanh chóng di chuyển về vị trí thay trang phục bảo hộ, từng lớp áo quần, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt, găng tay... được mang lên người một cách thuần thục và chính xác. Chỉ cần một thao tác sai, bộ đồ bảo hộ bị rách hoặc bị hở thì nguy cơ xâm nhập của virus vào cơ thể rất cao.
Sau khi chuẩn bị xong bảo hộ, chúng tôi bắt tay vào việc điều trị F0, tiếp nhận người bệnh từ các trung tâm y tế, các bệnh viện, các khu có người bệnh Covid-19 triệu chứng vừa và nặng chuyển đến. Bác sĩ đi buồng thăm khám, đo chỉ số sinh tồn, cho y lệnh, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của người bệnh và xử lý ngay. Với các ca bệnh phức tạp, chúng tôi sẽ hội chẩn, sử dụng điện thoại kết nối 4G để truyền đạt thông tin của người bệnh.
Đôi lúc chúng tôi kiêm luôn công việc bảo mẫu, vì một số người bệnh có đem theo con nhỏ với tình trạng bệnh diễn biến không thể chăm sóc con ngay được. Nhưng có lẽ đây cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 không giống như bệnh viện điều trị người bệnh thường, mọi thành viên luôn mang trong mình bộ đồ bảo hộ kín mít từ 5 đến 6 tiếng, mồ hôi thấm ướt toàn bộ quần áo, nhưng điều này cũng không làm ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi. Ngay sau khi hết ca trực, chúng tôi quay trở lại phòng làm việc, tiếp tục cho thuốc điều trị và hoàn tất thủ tục còn lại: Hoàn thành hồ sơ bệnh án, các y lệnh điều trị khác….
Có những lúc tham gia công tác vận chuyển người bệnh, thời gian vô cùng quý giá, dù đi qua những tuyến phố đẹp, nhưng cũng không thể cho phép chúng tôi chiêm ngưỡng nó. Thôi hẹn gặp lại dịp nào đó khi đánh xong giặc Covid-19, chúng tôi sẽ quay lại chiêm ngưỡng cái đẹp của TP. Hồ Chí Minh.
Ngày thứ ba và những ngày tiếp theo: Công việc của một bác sĩ điều trị tại khoa cấp cứu vẫn luôn vậy. Đến ca làm việc nhanh chóng, khẩn trương, nhưng cũng cần chính xác trong từng thao tác, bảo đảm mọi quy trình nghiêm ngặt. Tổng số lượt khám điều trị hằng ngày của Bệnh viện dã chiến dao động từ 2.000 đến 2.580 lượt…
Khép lại một ngày làm việc trong khu cấp cứu điều trị người bệnh Covid-19, chúng tôi tranh thủ ăn vội bữa cơm và bắt đầu cho mình giấc ngủ để cơ thể hồi phục, bảo đảm sức khỏe cho công việc ngày mai./.
Việt Bắc (lược ghi)