Không sợ khó, ngại khổ
Khi nước rút, tại xã Nam Cường, chúng tôi bắt gặp những tốp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), cán bộ, chiến sĩ, công an, bộ đội đang khẩn trương giúp người dân dọn dẹp nhà cửa ổn định cuộc sống sau lũ. Cái nắng oi ả cũng không làm giảm tinh thần nhiệt tình của các đoàn viên. Người cuốc, người xẻng, người cầm chổi quét, người thì vác đồ… tạo nên bầu không khí đầy trách nhiệm của những ngày tình nguyện tại địa phương. Nơi khác trong xã, vẫn là những màu áo xanh ấy, một nhóm đoàn viên đang nhanh tay dội từng xô nước để rửa lại nền nhà cho người dân, một tốp khác thì khẩn trương mang những bao ngô, thóc tích trữ của người dân đem đi phơi.
Nhưng điều mà chúng tôi ấn tượng hơn cả là những lực lượng ĐVTN huyện Chợ Đồn, hơn một tuần qua kể từ khi xảy ra lũ, là khoảng thời gian mà lực lượng ĐVTN của huyện hoạt động hết công suất. Chưa bao giờ, các ĐVTN có chương trình làm việc dày đặc và căng thẳng thế.
Chị Ma Thị Bằng, Bí thư Huyện đoàn tâm sự tâm sự: Huyện đoàn Chợ Đồn hiện có 3 biên chế, cả 3 đều là nữ đang nuôi con nhỏ. Nên vất vả, khó khăn sẽ gấp đôi. Nhưng lúc đấy chúng tôi chỉ muốn góp một phần sức nhỏ để giúp đỡ bà con, nên có vất vả hơn nữa cũng phải gồng mình lên để hỗ trợ người dân.
Trong những ngày nước lũ, chính quyền và Nhân dân xã Nam Cường (Chợ Đồn) dồn sức hỗ trợ những hộ dân nhà bị ngập do lũ, trong số đó có cô gái dáng người nhỏ nhắn mang trên mình màu áo xanh thanh niên luôn xông xáo hỗ trợ bốc xếp hàng và vận chuyển nhu yếu phẩm cho các hộ dân trong vùng bị ngập lụt. Đó là chị Ban Thị Trang, Bí thư Đoàn xã Nam Cường. Ít ai biết rằng, trong những ngôi nhà bị ngập ấy có cả nhà của chị.
Chị Trang kể, tối 09/9, nước lũ dâng nhanh, ngập hầu hết các nhà dân ở 3 thôn trên địa bàn xã. Nhà chị Trang cũng bị nước lũ cũng tràn vào, ngập gần 2m. Thấy tình hình như vậy, chị bàn với chồng gửi cô con gái mới 5 tuổi về cho ông bà nội chăm nom giúp. Chồng thì công tác ngoài huyện, nên chỉ còn mình chị ở lại vừa xem nhà cửa và hỗ trợ người dân.
Khoảng thời gian này, lúc lũ chưa rút, chị Trang cùng ĐVTN xã tham gia hỗ trợ các lực lượng vũ trang vận chuyển, điều phối nhu yếu phẩm được hỗ trợ từ sáng sớm đến tối muộn. Đến khi nước rút lại cùng các đội hình tình nguyện, hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh. Lo “vác tù và hàng tổng” nên mãi đến chủ nhật vừa qua, gia đình chị mới bắt tay vào dọn dẹp nhà của mình.
Theo chị Ma Thị Bằng, Bí thư Huyện Đoàn Chợ Đồn, đợt lũ vừa qua riêng xã Nam Cường có trên 7/10 thôn ngập hoàn toàn trong biển nước. Ngoài ra, có 2 xã lân cận là xã Xuân Lạc và Đồng Lạc ghi nhận nhiều hộ dân bị sạt lở phải di dời khẩn cấp, số hộ bị sạt lở thiệt hại bếp, tường nhà, tốc mái rất nhiều.
Chị Bằng cho biết, từ khi lũ ngập các thôn của xã Nam Cường, đã 08 ngày liên tiếp, các đội hình tình nguyện triển khai công tác hỗ trợ người dân. Những ngày đầu, đội làm công tác vận chuyển hàng cứu trợ từ xe xuống các nơi tập kết của các thôn. Trong 02 ngày đầu khi làm xong việc ở điểm tập kết, đội di chuyển tới các vùng nước bắt đầu rút dần để trực tiếp hỗ trợ bà con dọn dẹp. Nước rút ở đâu triển khai ở đó.
"Đội hỗ trợ chủ yếu dùng chổi được xã hội hóa để dọn dẹp, dùng nước dội và quét bùn đất ở các nhà của hộ dân. Mặc dù nhà của các đoàn viên, thanh niên cũng bị ảnh hưởng do mưa bão nhưng các bạn vẫn tham gia, điều phối hỗ trợ người dân", chị Ma Thị Bằng chia sẻ.
Những chuyến xe chở đầy nghĩa tình
Tối 16/9, chuyến xe của tỉnh Kon Tum có mặt thành phố Bắc Kạn, mang theo nhu yếu phẩm được huy động từ nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con vùng lũ tỉnh Bắc Kạn. Trong chuyến tình nguyện này, không chỉ là những thủ lĩnh đoàn dày dặn kinh nghiệm mà còn các đoàn viên trẻ đầy năng lượng, nhiệt huyết cùng tham gia.
Chị Đỗ Thị Hồng Hạnh, Bí thư Thành đoàn Kon Tum cho biết, trước khi lên đường, các thành viên trong đoàn đã họp, lên phương án và chọn tỉnh Bắc Kạn – địa phương đang chịu ảnh hưởng trong đợt mưa lũ để đến tiếp tế nhu yếu phẩm, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Trong ba ngày từ ngày 17 – 19/9, từng vòng bánh xe lăn đều để đến với người dân bị ảnh hưởng bởi lũ của các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, thành phố Bắc Kạn. Hành trình chứa đựng cả tấm lòng yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc từ những người con Tây Nguyên, mong rằng có thể làm vơi bớt đi phần nào nỗi khổ cực của đồng bào vùng lũ.
Nhưng ấn tượng với mọi người trong đoàn, có lẽ là xã khó khăn Xuân Lạc của huyện Chợ Đồn. Để đến với thôn Tà Han, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) cả đoàn đã phải đi qua những đoạn đường nhiều điểm sạt lở, di chuyển khó khăn, nhưng không vì thế mà tinh thần tình nguyện của những thành viên trong đoàn giảm đi.
Thôn Tà Han hiện lên trước mắt. Nhiều hộ dân nhà đổ sập trong bùn đất, khung cảnh bình yên vốn có trở nên tan hoang. Thành viên trong đoàn nhanh chóng vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hóa vào hỗ trợ bà con. Ngoài ra, đoàn còn trao tiền mặt nhằm hỗ trợ người dân sớm ổn định lại cuộc sống. Hành động này như tiếp thêm sức mạnh, san sẻ khó khăn với những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ.
Đến với xã Xuân Lạc, các ĐVTN đã giúp đỡ người dân vận chuyển đất đá sạt lở, hỗ trợ làm 02 nhà vệ sinh cho người dân. Chị Lục Thị Nga, ĐVTN thành phố Bắc Kạn chia sẻ: Trong chuyến hành trình này, chúng tôi không chỉ trao đi những món quà vật chất và tinh thần mà chúng tôi mà còn nhận lại rất nhiều bài học về lòng nhân ái và ý chí kiên cường từ những người dân, trong hoàn cảnh khốn khó nhất".
Vượt hơn 1.500km, thành phố Kon Tum đã hỗ trợ 100 triệu đồng, hơn 16 tấn nhu yếu phẩm hỗ trợ thành phố và Nhân dân tỉnh Bắc Kạn khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Trong 03 ngày, từ ngày 17-19/9/2024, Thành đoàn Bắc Kạn và Thành đoàn Kon Tum đã trao 16 tấn nhu yếu phẩm cùng nhiều phần quà và các hoạt động có ý nghĩa giúp đỡ Nhân dân bị thiệt hại do bão số 3 gây ra tại thành phố Bắc Kạn, huyện Ba Bể và huyện Chợ Đồn.
Những cái vẫy tay, ánh mắt lưu luyến của bà con tiễn đoàn đã in đậm trong tâm trí các bạn trẻ. Dù mệt mỏi sau một hành trình dài, nhưng trong lòng mỗi thành viên đều ngập tràn niềm vui và sự ấm áp vì biết rằng, sự có mặt của mình đã phần nào giúp giảm bớt những khó khăn cho người dân vùng thiên tai, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.../.