TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Những quy định về hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số mọi người cần biết

BBK -

Hỏi: Tôi là người dân tộc Mông đang cư trú tại một xã thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, tôi muốn tìm hiểu quy định về hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số?

Trả lời: Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Về thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số.

Bảo đảm người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý bằng tiếng của dân tộc mình trong trường hợp đối tượng yêu cầu hoặc không nói được tiếng Việt.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cách thức thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân tộc thiểu số tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý. Trường hợp, người dân tộc thiểu số khi yêu cầu trợ giúp pháp lý nếu có khó khăn trong việc xuất trình các giấy tờ theo quy định của pháp luật thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải tiếp nhận yêu cầu, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc các tổ chức chính trị - xã hội nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để xác minh và thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Tạo điều kiện thuận lợi và chủ động gặp người có yêu cầu để thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.

Về truyền thông về trợ giúp pháp lý.

Trung tâm và Chi nhánh thực hiện việc truyền thông về trợ giúp pháp lý để người dân tộc thiểu số biết và thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của mình thông qua các phương thức sau đây:

Biên soạn, in ấn và cung cấp miễn phí tờ gấp pháp luật, cẩm nang pháp luật và các tài liệu pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân bằng tiếng dân tộc thiểu số.

Soạn thảo các tài liệu pháp luật, thu và sao băng cát xét bằng tiếng dân tộc thiểu số để phát trên đài phát thanh, truyền hình, hệ thống loa truyền thanh xã.

Xây dựng chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý cho từng vùng, miền phù hợp với đặc điểm của người dân tộc thiểu số trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí ở trung ương và địa phương.

Đặt các bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số tại nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xã, trụ sở UBND xã, điểm bưu điện văn hóa xã.

Trách nhiệm của Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Chi nhánh Trợ giúp pháp lý trong thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số.

- Thuê người phiên dịch để thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số trong trường hợp người đó yêu cầu hoặc không nói được tiếng Việt.

- Cung cấp cho Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương:

+ Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý (người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; địa chỉ, điện thoại liên hệ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm);

- Hộp tin trợ giúp pháp lý, Mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật và các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý và phổ biến các quy định về trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

- Thông báo danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm và Chi nhánh trong phạm vi địa phương kèm theo địa chỉ liên lạc, số điện thoại để Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương có thể liên hệ trong trường hợp cần thiết.

- Thông tin đầy đủ các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong trường hợp có sửa đổi, bổ sung cho Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương.

Trách nhiệm của Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương trong phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số.

Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nếu phát hiện người dân tộc thiểu số thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có nhu cầu trợ giúp pháp lý thì hướng dẫn họ hoặc người đại diện hợp pháp về các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương để được hưởng trợ giúp pháp lý.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan, người có thẩm quyền trong Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác biết.

Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương được yêu cầu phối hợp có trách nhiệm:

+ Niêm yết công khai Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại địa điểm tiếp dân ở trụ sở cơ quan mình;

+ Đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý để cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý tại các địa điểm tiếp dân của cơ quan mình để người có thể tiếp cận khi cần;

+ Chủ động yêu cầu Trung tâm, Chi nhánh để phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý./.

Xem thêm