Xử lý tình trạng mua bán thông tin cá nhân trên internet

BBK- Thời gian qua, hoạt động mua bán thông tin cá nhân diễn biến rất phức tạp trên internet. Hệ quả của hành vi này là người dân thường xuyên bị làm phiền bởi các cuộc gọi quảng cáo, bán hàng.  Nhiều trường hợp lấy cắp thông tin cá nhân của người khác để vay tiêu dùng tín chấp, mở tài khoản đánh bạc trực tuyến…

1f6f5ae3-7310-47c3-8800-341f6937394b-2760.jpg
Ảnh minh họa.

Nhiều người thường xuyên nhận được các cuộc gọi, tin nhắn rác quảng cáo, chào bán sản phẩm và người gọi biết rất rõ tên tuổi, địa chỉ nơi sinh sống và làm việc, thậm chí cả lịch sử đi máy bay, các điểm đến công tác…

Mua bán data công khai

Một thời gian dài, anh Hoàng Anh (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) thường xuyên bị các số điện thoại lạ gọi đến quấy rầy. Các cuộc gọi làm phiền diễn ra ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.

Anh Hoàng Anh chia sẻ: “Bất kỳ giờ nào tôi cũng có thể bị gọi bởi các cuộc gọi quảng cáo bán sản phẩm, mời làm cộng tác viên bán hàng, mời tham gia sự kiện… trong khi tôi không có nhu cầu. Điều kỳ lạ là người gọi điện biết rất nhiều thông tin về tôi, không chỉ tên tuổi, mà còn cả địa chỉ cư trú, nơi làm việc…”.

Thời gian vừa qua, anh N.T.H, chủ một doanh nghiệp xây dựng tại quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) thường bị một vài số điện thoại lạ đề nghị thanh toán một khoản nợ mà anh không hề biết. Sau nhiều lần bị làm phiền, anh H. đề nghị người gọi điện cung cấp thông tin khoản tiền mà họ khẳng định anh H. có vay.

Qua tin nhắn mạng xã hội Zalo, người kia cung cấp cho anh H. một bản hợp đồng kèm ảnh chụp giấy tờ tùy thân của anh. Đến lúc này anh H. mới giật mình, vì người kia có ảnh chụp căn cước công dân của anh, trong khi chữ ký trên hợp đồng vay là chữ ký giả.

“Không biết ảnh chụp giấy tờ tùy thân của tôi lộ lọt lúc nào, nhưng đây là sự việc hết sức nghiêm trọng. Có người đã đánh cắp thông tin cá nhân của tôi và sử dụng với mục đích xấu”, anh H. chia sẻ...

Anh Hoàng Anh và anh H. chỉ là hai trong nhiều người trở thành nạn nhân của việc mua bán data (dữ liệu) trên mạng. Nhiều người dân phản ánh, tình trạng này diễn ra thường xuyên, liên tục khiến họ vô cùng khó chịu.

Một website rao bán thông tin cá nhân.
Một website rao bán thông tin cá nhân.

Trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện nhiều nhóm rao bán, trao đổi thông tin cá nhân của nhiều người.

Trong vai một người muốn tìm danh sách khách hàng để kinh doanh bất động sản, phóng viên nhắn tin với một tài khoản trên Facebook rao bán thông tin cá nhân thì được quảng cáo họ có thể cung cấp dữ liệu cá nhân của khách hàng trên mọi miền đất nước.

Dữ liệu cũng được lọc kỹ, muốn mua, khách hàng tiềm năng ở ngành nghề nào thì sẽ có ngay ngành nghề đó. Thông tin được bán sẽ bao gồm số điện thoại, thư điện tử, nghề nghiệp, mức thu nhập... của khách hàng.

Trong nhóm kín có tên “Chợ bán data chất lượng cao…” với hơn 10 nghìn thành viên tham gia, nhiều người quảng cáo việc họ có thể cung cấp danh sách khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, từng mua xe hơi có giá trị cao hay những người đầu tư chứng khoán, vàng…

Một số website như "Datakhachhang", "Danhsachkhachhang...", những dòng quảng cáo như: "Sở hữu gói data khách có tổng thu nhập cao...", "Chuyên cung đầy đủ khách hàng các ngành, nghề..." xuất hiện ngay trên trang chủ.

“Các tập tin hiển thị đầy đủ thông tin khách hàng như họ tên, địa chỉ, email, số điện thoại… Data bao gồm rất nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau như bất động sản, doanh nghiệp, xe sang, công nhân viên chức, các khách hàng có bất động sản cao cấp cho thuê tại các khu vực ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”, tài khoản Facebook có tên “Nguyen Cang” cho biết...

Cần hết sức cảnh giác

Ông Phạm Tuấn An (Phó Trưởng phòng An toàn hệ thống thông tin, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Việt Nam có gần 78 triệu người sử dụng internet, trong đó, 2/3 dân số bị thu thập, chia sẻ trên mạng.

Nguyên nhân bị lộ, lọt thông tin cá nhân là vì cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thu thập nhiều nhưng không bảo vệ. Chia sẻ trái phép cho bên thứ ba. Lộ lọt từ nhân viên quản lý dữ liệu. Nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân thấp. Các chủ thể bất cẩn, cung cấp tùy tiện, đặc biệt trên mạng xã hội...

Theo Đại úy Nguyễn Trọng Anh (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an), 6 tháng đầu năm 2023, phát hiện gần 202.000 gói dữ liệu bị lộ, lọt trên mạng do mã độc tấn công với khoảng 12,3 triệu dòng thông tin, dữ liệu bị đánh cắp.

Hoạt động mua bán dữ liệu công dân, người dùng Internet trên thế giới và Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp về số vụ và số lượng thông tin bị rò rỉ.

Hoạt động tấn công vào hệ thống mạng của các nhóm tin tặc được thực hiện chuyên nghiệp, các kỹ thuật được triển khai chặt chẽ, ngụy trang cho nhau, sử dụng nhiều kỹ thuật để đánh lạc hướng bộ phận bảo đảm an toàn thông tin.

Đại úy Nguyễn Trọng Anh (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao)

Để có được một hệ thống mạng an toàn, đáp ứng được các yêu cầu về an ninh mạng, an toàn thông tin..., các đơn vị cần nghiên cứu thực hiện được các quy trình quản trị hệ thống thông tin, hệ thống mạng của mình theo các nội dung về quy trình đánh giá thiết bị và nâng cấp hệ thống; quản lý người sử dụng; kiểm tra lỗ hổng bảo mật; giám sát và kiểm soát truy cập; quy trình phản ứng và xử lý sự cố; xây dựng và đào tạo nghiệp vụ...

Theo một số chuyên gia an toàn thông tin, để hạn chế tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân trái phép, việc nâng cao nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người dân là rất quan trọng.

Người dân không chia sẻ thông tin cá nhân chi tiết trên các phương tiện công cộng, trang mạng, mạng xã hội...; không mở các thư điện tử, tập tin đính kèm, liên kết không rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ lây nhiễm mã độc có tính năng đánh cắp thông tin cá nhân.

Một đối tượng mua bán trái phép thông tin cá nhân bị xử lý.
Một đối tượng mua bán trái phép thông tin cá nhân bị xử lý.

Khi mở các liên kết mà yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm như tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực, đặc biệt liên quan đến tài khoản ngân hàng..., cần xem kỹ tên miền, đồng thời xác nhận lại với bên gửi; đề phòng các cuộc gọi giả mạo công an, các đơn vị, tổ chức yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền...

Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Lộc (Hà Nội), các thông tin cá nhân có thể bị một số đối tượng sử dụng vào việc lừa đảo, lừa vay tín dụng,...

Hành vi nêu trên ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, danh dự hoặc các vấn đề pháp lý khác có thể nảy sinh. Vì vậy, việc có luật, nghị định, tạo hành lang pháp lý xử lý các hành vi tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép là hết sức quan trọng.

Ngoài xử phạt người bán dữ liệu cá nhân của người khác, cần xử lý cả người mua, bởi họ sẽ dùng những dữ liệu mình mua được để thu lợi./.

Xem thêm