Pác Nặm đẩy mạnh tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Pác Nặm là huyện miền núi với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế - xã hội còn khó khăn. Ở một số thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống luôn là vấn đề khá phức tạp trên địa bàn.

Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện Pác Nặm có 137 cặp kết hôn thì có 12 cặp kết hôn tảo hôn (tương đương 12 trường hợp). Cụ thể, xã Nhạn Môn có 05 trường hợp, xã Bằng Thành 04 trường hợp, xã Giáo Hiệu 02 trường hợp, xã Cổ Linh 01 trường hợp, chiếm 8,7% tổng số cặp kết hôn, trong đó có 10 cặp là người dân tộc Mông.

Tuyên truyền bình đẳng giới và
Tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường PTDT bán trú THCS Cổ Linh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa và các tiến bộ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng đặc biệt khó khăn còn thấp; một số nơi do quan niệm lạc hậu vẫn quyết định dựng vợ gả chồng khi con em mình khi chưa đủ tuổi kết hôn; trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết về hôn nhân, gia đình cũng làm gia tăng tình trạng tảo hôn. Bên cạnh đó, nhiều vị thành niên thiếu kinh nghiệm giới tính, xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn…

Đồng chí Hoàng Thị Duyên- quyền Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Có thể thấy hậu quả do các trường hợp tảo hôn dẫn đến chất lượng dân số suy giảm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tảo hôn cũng khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế của mỗi thành viên trong gia đình rất thấp, dẫn đến nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo, là gánh nặng cho xã hội...

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. UBND huyện Pác Nặm đã tích cực chỉ đạo các phòng, ban, ngành của huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân; tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho độ ngũ cán bộ, công chức tại địa phương tham gia thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”.

Huyện kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Theo đó trong tổng số 12 vụ tảo hôn được ghi nhận từ đầu năm đến nay đều đã được các địa phương xử phạt vi phạm với số tiền 24 triệu đồng. Theo quy định của pháp luật, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đều là những hành vi bị nghiêm cấm. Nếu người nào vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Pác Nặm vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh tại những vùng này là nhiệm vụ khó khăn. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, chính quyền địa phương cũng cần thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý các hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ngay từ cơ sở./.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm