Pác Nặm: Nạn chuột “hoành hành” trên nhiều diện tích lúa mùa

 Đến nay, huyện Pác Nặm vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về diện tích lúa bị chuột phá hoại, song theo quan sát của nhóm phóng viên khi đi thực tế ở một số địa phương trong huyện, thì tình hình diễn biến nghiêm trọng hơn rất nhiều so với báo cáo của huyện về “nạn chuột xảy ra không đáng kể...” mà các phòng chức năng của huyện cung cấp khi làm việc với chúng tôi.

 Đến nay, huyện Pác Nặm vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về diện tích lúa bị chuột phá hoại, song theo quan sát của nhóm phóng viên khi đi thực tế ở một số địa phương trong huyện, thì tình hình diễn biến nghiêm trọng hơn rất nhiều so với báo cáo của huyện về “nạn chuột xảy ra không đáng kể...” mà các phòng chức năng của huyện cung cấp khi làm việc với chúng tôi.

 Nông dân “bó tay” vì quá nhiều chuột

Anh Bàn Văn Dất, thôn Khuổi Tuốn, cùng ở xã Nghiên Loan, ngậm ngùi: Gia đình tôi chỉ có hơn 1.000 mét vuông ruộng, phục vụ cho việc gieo cấy lúa hai vụ, nếu được mùa thì mới đủ thóc gạo ăn cho cả năm. Thường mỗi vụ, số diện tích gieo cấy được khoảng 16 bao thóc, nhưng vụ mùa năm nay số lượng bị giảm một nửa do chuột phá quá nhiều. Tôi cũng tổ chức đặt bẫy lồng, có ngày bắt vài chục con tưởng hết nhưng hôm sau ra thăm ruộng thì dường như lại thấy số lượng chuột càng nhiều hơn. Mặc dù chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng gia đình vẫn phải xuống đồng gặt, hy vọng còn vớt vát được chút nào. Mùa giáp hạt năm nay, gia đình lại phải ăn nhờ gạo của bà con trong bản rồi! Anh Dất chua xót nói.

Cán bộ khuyến nông xã Xuân La (Pác Nặm) đang tiến hành đánh giá năng suất còn lại trên diện tích lúa sau khi bị chuột phá hoại
Cán bộ khuyến nông xã Xuân La (Pác Nặm) đang tiến hành đánh giá năng suất còn lại trên diện tích lúa sau khi bị chuột phá hoại

Ông Đặng Văn Nhất, Bí thư Đảng ủy xã Nghiên Loan vẫn chưa hết bàng hoàng và lo lắng khi cho chúng tôi biết, 15/15 thôn của xã đều xuất hiện nạn chuột với mật độ khá nhiều. Riêng gia đình ông vụ mùa này gieo cấy hơn 7.000 mét vuông ruộng, chủ yếu là giống lúa lai Tiên ưu. Chưa năm nào chuột lại nhiều mà phá hoại nặng nề đến thế, bẫy không xuể, trên mỗi cánh đồng ước tính phải có đến vài trăm con chuột. Hơn quá nửa hiện tích gieo trồng vụ mùa của gia đình ông bị chuột phá gần như mất trắng. Hướng khắc phục duy nhất của gia đình trước những diện tích lúa bị chuột cắn chẳng thể nào khác ngoài cắt về làm thức ăn cho trâu, bò. Địa phương xã cũng như bà con vẫn chưa nhận được sự phối hợp hay chỉ chỉ đạo nào về các phương pháp diệt chuột từ phòng NN&PTNT, Trạm bảo vệ thực vật của huyện

Chưa đến mức thiệt hại nằng nề như người dân của xã Nghiên Loan, nhưng bà con ở thôn Cọn Luông, Thôm Mèo, xã Xuân La (Pác Nặm) cũng hoang mang không kém phần. Diện tích lúa của đôi vợ chồng trẻ Cà Văn Thiệp, mới ra ở riêng ở thôn Cọn Luông chỉ có vỏn vẹn 800 mét vuông, vụ mùa này cũng gieo cấy lúa lai Tiên ưu và bị chuột cắn phá khoảng 1/3 diện tích lúa. Cũng giống anh Dất, đôi vợ chồng trẻ này phải tổ chức gặt xớm mặc dù vẫn biết năng suất sẽ bị giảm vì chưa vào chính vụ.
 

“Thờ ơ” trước nỗi lo của đồng bào 

Có một điều khiến nhóm phóng viên chúng tôi hết sức ngạc nhiên đó là, trong khi nhiều hộ dân ở các địa phương đang “đau đầu” vì nạn chuột, thì sự vào cuộc các ngành chức năng ở địa phương huyện Pác Nặm vẫn “Bình chân như vại”. Thay vì việc vào cuộc một cách quyết liệt, chỉ đạo cán bộ phụ trách chuyên môn xuống từng cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương các xã cùng bà con diệt chuột bằng các loại thuốc sinh học như Bi-ô-rát, thì lại xem đó như là chuyện nhỏ, chuyện vẫn chưa có gì lớn xảy ra.
 

Điều đáng lo ngại hơn cả, là nhiều hộ dân thiếu thông tin hiểu biết, sau khi thực hiện bẫy theo các phương pháp dân gian không hết chuột, đã lác đác sử dụng các loại bả chuột của Trung Quốc để diệt chuột. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường sống, mà nó còn đe dọa trực diệt tính mạng của con người và vật nuôi trong gia đình. 

Thiết nghĩ, để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân và bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn huyện Pác Nặm. Thì các cấp, các ngành chức năng của huyện cần khẩn trương vào cuộc với quyết tâm cao khi chưa quá muộn. Cần phối hợp chặt chẽ với cán bộ khuyến nông cơ sở và người dân, để có những biện pháp tiêu diệt triệt loài gặm nhấm có hại cho mùa màng của bà con, khuyến cáo đồng bào không nên sử dụng các loại bả, thuốc hóa học để diệt chuột, chỉ nên sử dụng các loại bẫy cây chồng hoặc các chế phẩm sinh học dùng để diệt chuột. Qua đó, tạo niềm cho nhân dân thực sự yên tâm tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu gieo trồng của địa phương cho những mùa vụ tiếp theo./. 

Lê Hoàng

Xem thêm