Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng)

Phát triển đảng viên ở vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số Bắc Kạn: Kỳ 1- DỄ HAY KHÓ Ở CÁCH LÀM

0:00 / 0:00
0:00
BBK -

Bắc Kạn là tỉnh miền núi với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 88% dân số, chủ yếu sống phân tán ở địa bàn vùng sâu vùng xa, cuộc sống còn nhiều khó khăn về mọi mặt. Sau gần 26 năm tái lập, nhờ làm tốt công tác phát triển Đảng, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã xoá được thôn bản “trắng” đảng viên, có trên 98% chi bộ thôn sinh hoạt độc lập. Có những cách làm hay, sáng tạo giúp tỉnh làm nên “kỳ tích” này .

Bắc Kạn có 1.292 thôn bản, tổ phố, trong đó chủ yếu là thôn bản vùng cao, với trên 88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bắc Kạn có 1.292 thôn bản, tổ phố, trong đó chủ yếu là thôn bản vùng cao, với trên 88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tìm chỗ dựa vững chắc cho Đảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”; đảng viên là “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”. Đối với những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo thì tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng bởi đó chính là cánh tay đắc lực, chỗ dựa vững chắc của Đảng.

Việc khó quyết tâm làm

Ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh (năm 1997), Tỉnh ủy Bắc Kạn xác định, điều kiện tự nhiên - xã hội của tỉnh rất khó khăn, muốn phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ dựa vào sự giúp đỡ của Trung ương, của các nguồn lực bên ngoài, mà cái chủ yếu là phải tự thân từng bước lo được cho chính mình, vì không ai hiểu và lo cho Bắc Kạn được bằng chính người Bắc Kạn. Và, mấu chốt của vấn đề là phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở các cấp. Càng những nơi khó khăn, gian khổ, càng phải có đội ngũ đủ mạnh để điều hành công việc, nhất là ở các thôn, bản vùng cao, vùng xa.

Từ định hướng đó, trong từng giai đoạn, Tỉnh ủy đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển Đảng. Hằng năm, có các chỉ thị về công tác phát triển Đảng để chỉ đạo, bổ sung, rút kinh nghiệm kịp thời về những ưu điểm, hạn chế, lựa chọn cách làm phù hợp tình hình và yêu cầu của thực tế và đòi hỏi các cấp ủy thực hiện nghiêm túc. Không chỉ vậy, trong các chuyến công tác cơ sở, lãnh đạo Tỉnh ủy luôn dành thời gian đến tận những thôn, bản để nắm tình hình phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có công tác phát triển Đảng. Qua thăm nắm, đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.

Do phong tục, tập quán và trình độ dân trí ở các thôn, bản vùng xa còn hạn chế nên công tác phát triển Đảng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn người có đủ uy tín đối với quần chúng thì lại không đủ tiêu chuẩn kết nạp Đảng như sinh nhiều con, trình độ học vấn thấp... Đồng chí Hoàng Lục Do, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Khi nhận được đề nghị cho hướng xử lý về những trường hợp cụ thể đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy chỉ đạo cán bộ chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn kịp thời, chu đáo. Vấn đề nào phải trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến thì cũng khẩn trương tiến hành. Chỉ đạo và hành động quyết liệt của cấp trên đã làm gương và lôi cuốn cấp dưới quyết tâm hành động.

Những “cánh tay đắc lực”

“Đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Một người dân Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính”. Thấm nhuần tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua tỉnh Bắc Kạn đã giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo, tạo điều kiện cho người theo đạo được đứng trong hàng ngũ của Đảng, củng cố phát triển tổ chức cơ sở đảng, từ đó phát huy tốt vai trò của đồng bào có đạo, người có uy tín trong khối đại đoàn kết dân tộc, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.

Theo chân cán bộ Ban Tổ chức Huyện uỷ Pác Nặm, chúng tôi vượt hơn 10km đường rừng từ trung tâm xã Nhạn Môn tới thôn Nặm Khiếu vào một buổi chiều thu se lạnh, nắng trải vàng trên những sườn đồi nhấp nhô ruộng bậc thang, thoảng trong gió hương lúa chín mùa gặt. Hơn một giờ đồng hồ leo dốc liên tục qua các bản người Mông, Dao chúng tôi đã đặt chân tới thôn Nặm Khiếu.

Đồng chí Thào Minh Khjào, người dân tộc Mông, Bí thư chi bộ "nói dân tin, làm dân theo" ở thôn Nặm Khiếu, xã Nhạn Môn (Pác Nặm), là một trong những "hạt giống đỏ", đảng viên đầu tiên của bản đã được Đảng tin tưởng lựa chọn.

Đồng chí Thào Minh Khjào, người dân tộc Mông, Bí thư chi bộ "nói dân tin, làm dân theo" ở thôn Nặm Khiếu, xã Nhạn Môn (Pác Nặm), là một trong những "hạt giống đỏ", đảng viên đầu tiên của bản đã được Đảng tin tưởng lựa chọn.

Nặm Khiếu là thôn đặc biệt khó khăn của xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, giáp ranh với xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Những ai đã từng đặt chân tới đây sẽ nhớ mãi những cung đường mòn dốc tức ngực, gồ ghề tựa sống dao, mùa mưa chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Nơi được coi như “thâm sơn cùng cốc” bậc nhất của huyện vùng cao đặc biệt khó khăn này có một đảng viên ưu tú, là cánh tay đắc lực của Đảng, nói dân tin, làm dân theo. Đó chính là Bí thư Chi bộ Thào Minh Khjào, dân tộc Mông, người theo đạo Tin Lành.

Đã hẹn từ trước, Bí thư Chi bộ Thào Minh Khjào ra tận đầu con dốc đón chúng tôi. Ấn tượng đầu tiên khi gặp người bí thư chi bộ này đó là sự hồ hởi, nhiệt thành. Sinh ra và lớn lên trên chính từ mảnh đất nghèo khó Nặm Khiếu, năm 1998 (một năm sau ngày tỉnh Bắc Kạn được tái lập) ông Thào Minh Khjào là người đầu tiên của bản vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Bên căn nhà sàn khang trang, rộng rãi, ông Khjào kể: Từ năm 2007 trở về trước, thôn Nặm Khiếu chưa có chi bộ Đảng, duy nhất mình ông là đảng viên, phải sinh hoạt ghép 3 thôn. Lúc đó ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ ghép 3 thôn: Nặm Khiếu, Phiêng Tạc và Ngảm Váng. Việc sinh hoạt ghép chi bộ rất khó khăn, nhất là việc triển khai xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội, do mỗi thôn có một đặc điểm khác. Lúc đó thôn chưa có đường, mỗi kỳ đi sinh hoạt Đảng mọi người phải đốt đuốc luồn rừng 7-8km mới đến địa điểm họp. Họp xong, về đến nhà thì trời đã tờ mờ sáng.

Thôn Nặm Khiếu có 47 hộ dân, trong đó có 41 hộ theo đạo Tin lành. Khi số lượng đảng viên của thôn còn “mỏng” chưa thành lập được chi bộ cũng đồng nghĩa với việc chưa có các tổ chức đoàn thể, sợi dây liên lạc giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương với cơ sở rời rạc, rất thiếu thông tin, không biết dựa vào đâu để chỉ đạo. Việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở đây là yêu cầu cấp bách đặt ra. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải tìm ra được những quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng .

Được sự chỉ đạo của Đảng uỷ xã Nhạn Môn, ông Khjào thực hiện nhiệm vụ theo dõi, phát hiện các quần chúng ưu tú của thôn để giới thiệu cho Đảng. Quyết tâm đó đã trở thành hiện thực khi năm 2007 chi bộ Nặm Khiếu được thành lập với 03 đảng viên. Ngày chi bộ được ra mắt là một ngày hội lớn của Nhân dân trong thôn, vì từ nay sẽ có Chi bộ lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mong muốn xây dựng nông thôn mới của thôn sẽ được thuận lợi, đạt kết quả hơn.

Sau 16 năm được đảng viên tin tưởng và Đảng giao trọng trách Bí thư Chi bộ thôn Nặm Khiếu, đến nay ông Thào Minh Khjào đã phát triển được 10 đảng viên, trong đó người con trai thứ hai của ông Khjào là đảng viên, đồng thời cũng là trưởng thôn. Ngôi nhà của Bí thư Khjào chính là nơi diễn ra các buổi sinh hoạt chi bộ hằng tháng. Ấn tượng nhất đối với chúng tôi là chiếc bàn gỗ trưng bày tượng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng rất nhiều giấy khen, bằng khen các cấp tặng cho ông Khjào đặt đặt trang trọng ở gian chính giữa căn nhà. Được biết, năm 2020 ông Khjào đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong việc xây dựng khối đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dịp Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II.

Ông Khjào phấn khởi cho biết, từ đầu năm đến nay chi bộ đã kết nạp được thêm 01 đảng viên trẻ là anh Lý A Lành, sinh năm 1995. Hiện đang hướng dẫn 01 quần chúng viết hồ sơ lý lịch xin vào Đảng. Hiện nay trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, trưởng ban công tác mặt trận của thôn đều là đảng viên, chuẩn bị kết nạp 01 đảng viên trẻ là Bí thư chi đoàn. Tuy nhiên điều trăn trở của Bí thư Khjào đó là cần tạo được nguồn đảng viên trẻ nhiều hơn nữa để giới thiệu cho Đảng, bởi thực tế nhiều thanh niên của thôn đã phải “ly hương” đi làm ăn xa. Có thời điểm thôn rất khó khăn về nguồn kết nạp đảng viên mới.

Bí thư Đảng uỷ xã Nhạn Môn, đồng chí Ma Xuân Cương, nhận xét: “Bí thư chi bộ Thào Minh Khjào là điển hình của sự gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Đặc biệt là công tác duy trì, phát triển hoạt động tổ chức cơ sở đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đạo. Hệ thống chính trị nơi bản vùng cao được củng cố vững mạnh nhờ có vai trò đầu tàu của Bí thư chi bộ Thào Minh Khjào, do đó tình hình tôn giáo, an ninh chính trị tại đây nhiều năm ổn định. Bản thân ông là người có uy tín, từ năm 2009 đến nay đã đứng ra hoà giải 34 vụ việc mâu thuẫn của người dân trong thôn. Ông Khjào cũng là người luôn đi đầu trong phát triển kinh tế. Mô hình chăn nuôi vỗ béo trâu, bò của gia đình ông cho thu nhập mỗi năm từ 40-50 triệu đồng”.

Nhìn thấy cách làm kinh tế có hiệu quả của Bí thư Thào Minh Khjào, người dân thôn Nặm Khiếu hiện nay hầu hết đều theo ông trồng cỏ, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Cả thôn có tổng đàn trâu bò khoảng trên 200 con và trên 100ha rừng trồng. Bà con rất vui mừng, phấn khởi khi cuối năm 2022, Nhà nước quan tâm triển khai mở tuyến đường vào thôn từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuyến đường dự kiến hoàn thành trong năm 2024 sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào cũng như hiện thực ước mơ vươn lên từ bao đời nay của bà con.

Đồng bào dân tộc Mông xưa nay có truyền thống gắn kết cộng đồng rất cao. Người có uy tín nhất trong cộng đồng luôn được dân bản tin theo và đồng thuận trong mọi hoạt động. Những đảng viên tận tâm, gương mẫu như ông Thào Minh Khjào thực sự như những “sợi chỉ đỏ” dẫn dắt cho lớp lớp thế hệ của bản Mông Nặm Khiếu giữ vững niềm tin với Đảng, xây dựng bản làng ngày một phát triển.

Từ Nặm Khiếu, chúng tôi đến với thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, một thôn đã từng là điểm “nóng” của hoạt động tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Nhờ sự vào cuộc của cấp uỷ chính quyền địa phương, lực lượng công an và đặc biệt là vai trò tích cực tuyên truyền vận động của Bí thư Chi bộ người dân tộc Mông Hoàng Thị Mai, năm 2021 tổ chức đạo bất hợp pháp này đã được xoá bỏ hoàn toàn, bà con quay trở lại với nhịp sống bình yên, tập trung làm ăn, phát triển kinh tế.

Là người theo đạo Tin lành, chị Mai tâm sự: Có người trong thôn đã từng hỏi tôi "Người theo đạo có vào Đảng được nữa không?". Bản thân được kết nạp vào Đảng, trung thành với Đảng gần 23 năm và cũng theo Chúa chừng đó thời gian, tôi nhận thức rằng Đảng cho chúng tôi cuộc sống hòa bình, ấm no từ những sự hỗ trợ thiết thực như giống cây trồng, vật nuôi, con đường mới, điện thắp sáng, trường trạm khang trang, nhà cho người nghèo. Con cái được tạo điều kiện học hành, người dân ốm đau được bệnh viện cứu chữa. Mặt khác, chúng tôi nghe lời răn dạy của Chúa sống tốt với đời. Vì thế Đạo và Đảng luôn song hành, ngự trị trong trái tim những đảng viên, người có đạo như chúng tôi. Mỗi ngày luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ Đảng giao, sống tốt đời, đẹp đạo, yêu nước, kính Chúa.

Bí thư chi bộ thôn Đồng Luông Hoàng Thị Mai đã có công rất lớn cùng cấp uỷ chính quyền địa phương, công an vận động thành công 17 hộ dân cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trở về với cuộc sống bình thường, tập trung làm ăn phát triển kinh tế. Trong ảnh: Anh Lý Văn Vang, một trong những hộ dân trước đây tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đang treo cờ Tổ quốc tại ngôi nhà Đại đoàn kết vừa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng.

Bí thư chi bộ thôn Đồng Luông Hoàng Thị Mai đã có công rất lớn cùng cấp uỷ chính quyền địa phương, công an vận động thành công 17 hộ dân cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trở về với cuộc sống bình thường, tập trung làm ăn phát triển kinh tế.

Trong ảnh: Anh Lý Văn Vang, một trong những hộ dân trước đây tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đang treo cờ Tổ quốc tại ngôi nhà Đại đoàn kết vừa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng.

Đồng chí Hoàng Ngọc Tân, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Quảng Chu cho biết: “Bí thư chi bộ thôn Đồng Luông, Hoàng Thị Mai, có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền vận động bà con Nhân dân trong thôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, đồng chí đã cùng với chính quyền địa phương và lực lượng công an kiên trì thuyết phục vận động 17 hộ gia đình/75 nhân khẩu ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình tồn tại trong vùng đồng bào này nhiều năm qua. Cuộc sống của 118 hộ dân trong bản giờ đã ổn định, bà con yên tâm làm ăn, tập trung phát triển kinh tế. Đồng chí Mai còn là người đi đầu trong việc vận động người dân trong thôn thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng xây dựng đường, dự án khu, cụm công nghiệp trên địa bàn”.

Theo chân Bí thư Mai đến nhà một số hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, chúng tôi cảm nhận được niềm tin, sự chuyển biến trong nhận thức của họ. Cả 3 anh em ruột Lý Văn Vang, Lý Văn Đình và Lý Văn Minh vừa được Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, trị giá mỗi căn nhà 55 triệu đồng. Hiện 03 ngôi nhà lắp ghép, tiêu chuẩn “3 cứng” đã được bàn giao. Anh Lý Văn Vang rất phấn khởi vì từ nay 10 thành viên trong gia đình đã có chỗ ở khang trang, không còn cảnh chật chội, dột nát trong ngôi nhà bưng vách gỗ xập xệ nữa. Gia đình anh sau khi ký cam kết từ bỏ không tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã có nhiều thời gian để tập trung làm ăn, phát triển kinh tế.

Điểm chung của những đảng viên tiêu biểu vùng đồng bào có đạo là luôn “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”, không ngại khó, ngại khổ, lăn lộn gây dựng tổ chức cơ sở đảng ở những vùng đặc biệt khó khăn. Việc lựa chọn, tin tưởng, trao trọng trách cho người đứng đầu tổ chức cơ sở Đảng là người có đạo, có uy tín cao là một cách làm mạnh dạn, đột phá trong công tác xây dựng Đảng ở Bắc Kạn thời gian qua, tạo hiệu quả rõ rệt ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đạo./.

Tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Kạn về công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương đã biểu dương những kết quả tỉnh Bắc Kạn đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, trồng rừng và công tác dân tộc, tôn giáo.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Công tác dân tộc, tôn giáo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để mọi người dân tham gia sinh hoạt tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân hoạt động. Đảng và Nhà nước luôn tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn cần nâng cao cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các địa phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo đạo; nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Tăng cường vận động, tuyên truyền người dân không lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo để tổ chức truyền đạo, sinh hoạt đạo trái phép.

Ngoài ra, Bắc Kạn cần giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo".

(Còn nữa)

Xem thêm