Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Quang cảnh Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn. |
Báo cáo tại Phiên họp, thời gian qua, cơ chế chính sách, quy định trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; Bộ Nội vụ ban hành Thông tư về hướng dẫn lưu trữ hồ sơ TTHC điện tử; HĐND 36/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 100% các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung đổi mới...
9 tháng năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 22% (cùng kỳ năm 2022 đạt 8,78%), địa phương đạt 39% (cùng kỳ năm 2022 đạt 13,14%). Việc chuyển hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại các bộ, ngành đạt 81,39% (cùng kỳ năm 2022 đạt 50,69%), các địa phương đạt 70,24% (cùng kỳ năm 2022 đạt 38,84%). Thực hiện Đề án 06, có 15 bộ, ngành và 63 địa phương hoàn thành kết nối hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cổng dịch vụ công quốc gia kết nối 150 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin…
Một số tồn tại, hạn chế đã được Phiên họp chỉ rõ như: Chậm rà soát, sửa đổi các quy định TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành; chất lượng thực hiện TTHC, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể; còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định. Việc nâng cấp hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe nội dung cơ bản dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong phần thảo luận, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho ý kiến về nhiều nội dung trong công tác cải cách hành chính thời gian qua như: Cơ sở dữ liệu của nhiều bộ, ngành chưa đảm bảo sẵn sàng đồng bộ, chia sẻ; vướng mắc trong thực hiện TTHC của doanh nghiệp; đề nghị tiếp tục rà soát sửa đổi một số quy định về TTHC; các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công…
Kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Việc đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đã đạt được kết quả bước đầu, xuất hiện một số mô hình, cách làm hay ở các địa phương.
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng cấp, từng ngành phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng. Xác định rõ vai trò của người đứng đầu, bởi nơi nào người đứng đầu quan tâm thì nơi đó kết quả tốt. Rà soát, sửa đổi các quy trình cũ, xây dựng quy trình mới để đảm bảo minh bạch, tạo thuận lợi hơn. Hoàn thành việc tích hợp, đồng bộ hệ thống thông tin, kết nối liên thông và chia sẻ. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, giám sát; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức công vụ; thay đổi thói quen làm việc từ môi trường truyền thống ( giải quyết bằng giấy tờ) sang môi trường mạng ( gải quyết hồ sơ điện tử). Gắn nhiệm vụ CCHC vào kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công chức. Lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp./.
Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt một số nội dung trong công tác CCHC của tỉnh thời gian tới. |
Ngay sau Phiên họp trực tuyến toàn quốc, Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn đã quán triệt một số nội dung quan trọng trong công tác cải cách hành chính của tỉnh và đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện rà soát các TTHC, tin học hóa quy trình, số hóa kết quả, chứng thực điện tử kết quả giải quyết TTHC. Các sở, ngành phối hợp đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu ngành, đẩy mạnh chuyển đổi số. Lưu ý làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá, gắn kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC với đánh giá, phân loại cán bộ.