Quang cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. |
Chủ trì phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh; tham dự có các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn khóa XV; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành…
Chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, đại biểu Quốc hội nêu nhiều câu hỏi về các nội dung như:
Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện Kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát. Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu chất vấn: Theo dõi công tác giám định các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng chức vụ thời gian qua cho thấy, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ trong giám định hoặc kết luận giám định còn chung chung, không rõ ràng gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Theo quy định của pháp luật, Viện Kiểm sát có chức năng kiểm sát hoạt động giám định tư pháp. Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đề nghị Viện trưởng cho biết những giải pháp đã và sẽ tổ chức triển khai để kịp thời phát hiện những vi phạm thiếu sót trong công tác giám định?...
Trả lời chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trícho biết:
Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nhất là thủ trưởng các cơ quan trong vấn đề này; cơ quan yêu cầu giám định khi đặt ra yêu cầu cũng phải làm rõ nội dung, đặt ra yêu cầu chi tiết cho việc thực hiện; nâng cao chế độ, chính sách cho giám định viên đảm bảo phù hợp với trách nhiệm công việc và thực tiễn đời sống. Bên cạnh đó, thời gian điều tra thì có hạn, thời gian giám định thì không có giới hạn, bất cập này dẫn đến nhiều vụ việc phải tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định.
Về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, dưới góc độ ngành kiểm sát, luật quy định 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên thực tế ở nước ta có tâm lí sau khi nhận được quyết định bản án có hiệu lực thi hành đương sự có ngay đơn giám đốc thẩm, tình trạng xét xử không có điểm dừng và ngày càng nhiều. Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm áp lực lớn cho cả Tòa án và Viện Kiểm sát. Việc kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, án hành chính có trở ngại khó khăn quan cả về khách quan và chủ quan. Việc thi hành án cũng khó khăn, phải giải quyết căn cơ từ hệ thống pháp luật. Vì án hành chính là đa phần là án khiếu kiện các vụ việc về hành chính, nhất là đất đai. Sự phối hợp các cơ quan cần chặt chẽ, đồng bộ giải pháp. Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, thời gian tới các ngành tư pháp cần nâng cao chất lượng giải quyết; ngành Kiểm sát nỗ lực, cử kiểm sát viên phân loại và xử lý, kiểm soát tỷ lệ giải quyết đơn...
Về vấn đề chống chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, tạo cơ chế để không thể, không muốn, không dám tham nhũng, Viện trưởng VKSNDTC cho rằng cần có cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật chặt chẽ, quy định chế tài quản lý nhà nước thật tốt để người có quyền không dám lợi dụng quyền lực, bên cạnh đó cần nghiên cứu để có lộ trình thay đổi cơ chế, chính sách đảm bảo cán bộ an tâm công tác.
Từ thực tiễn các vụ án, bên cạnh xử lý nghiêm, cũng cần xử lý nhân văn, đây cũng là yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan chức năng cũng quán triệt quan điểm này, nhưng để chủ trương thành thực tiễn cần cụ thể hóa bằng các quy định của pháp luật. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kiến nghị Quốc hội xem xét, giao cơ quan có thẩm quyền chủ trì soạn thảo...
Chiều 20/3, đã có 24 đại biểu Quốc hội chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực quản lý, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời cơ bản, rõ ràng, cụ thể các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới…
Phát biểu kết thúc Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Phiên chất vấn lĩnh vực tòa án và kiểm sát diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút sự quan tâm, theo dõi rộng rãi của Nhân dân và cử tri cả nước. Những vấn đề được lựa chọn chất vấn đúng và trúng, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Căn cứ kết quả phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực, kết luận từng nội dung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sẽ được nêu trong nghị quyết này và yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chính phủ, các Bộ trưởng ngành hữu quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới…/.