Phiên làm việc cuối cùng tại Tổ của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chiều 10/11, Quốc hội tiến hành phiên làm việc cuối cùng tại Tổ của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV để thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Trước đó, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra những dự án luật trên.

Sửa Luật Thủ đô cần đảm bảo đầy đủ, đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nhất trí cao với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Thủ đô theo Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị cần rà soát thật kỹ các quy định về văn hóa, thể thao cho phù hợp với Luật Di sản văn hóa và Luật Thể dục thể thao, từ đó có chính sách đãi ngộ những người có tài năng xuất sắc, nắm giữ, truyền dạy và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể, cũng như khuyến khích vận động viên có thành tích cao. Đồng thời, đại biểu cũng đồng ý với quy định HĐND thành phố Hà Nội sẽ ban hành Nghị quyết mức chi cho phát triển văn hóa, thể thao cao hơn định mức chi của Trung ương theo khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

Bên cạnh đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị, trong dự thảo Luật cần cụ thể hóa một số chính sách, nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị như: Chính sách phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tiên tiến, tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, cũng như cần thể hiện rõ trong dự thảo luật quy định về nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống đường sắt đô thị để giảm ùn tắc giao thông.

Đề nghị bổ sung thêm quyền và trách nhiệm của các bên ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này gồm 09 chương, 68 Điều (tăng 2 chương, 26 Điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Trong đó, có 38 Điều quy định mới về nội dung, chủ yếu về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và hoạt động lưu trữ tư; 28 Điều được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở quy định tại Luật Lưu trữ năm 2011 bảo đảm phù hợp với bối cảnh Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền lưu trữ số, chuyển đổi số, lưu trữ tài liệu điện tử, xã hội hóa lưu trữ và hợp tác quốc tế về lưu trữ...

Thảo luận góp ý cho dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho biết, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) hiện quy định khi cá nhân, tổ chức khi yêu cầu cấp bản sao tài liệu lưu trữ, chứng thực tài liệu lưu trữ phải nộp lệ phí. Tuy nhiên, đối chiếu với Luật Phí, lệ phí năm 2015 thì không có quy định về nội dung này, do đó đề nghị cần rà soát, sửa đổi cho phù hợp, thống nhất với luật hiện hành, nếu cần thiết thì đề nghị bổ sung nội dung này vào Danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật Phí, lệ phí. Về kho lưu trữ số quy định tại khoản 4 Điều 34, đại biểu đề nghị có rà soát, đánh giá trong mối quan hệ với quy định cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số trong Luật Công nghệ thông tin để đảm bảo tính thống nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cũng đề nghị cần cân nhắc quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan có thẩm quyền trong việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm các quy định về quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ và cơ quan, tổ chức nhận ký gửi, hiến tặng tài liệu cho lưu trữ lịch sử như: Tổ chức, cá nhân ký gửi tài liệu có quyền đề nghị được nhận lại tài liệu lưu trữ; không được ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ quý, hiếm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.../.

Xem thêm