Phja Khao nỗ lực xóa đói, giảm nghèo

Vốn là một trong hai thôn khó khăn nhất của xã Bản Thi (Chợ Đồn), nhưng những trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành, người dân thôn Phja Khao đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

Vốn là một trong hai thôn khó khăn nhất của xã Bản Thi (Chợ Đồn), nhưng những trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành, người dân thôn Phja Khao đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

Toàn thôn hiện có 34 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Dao đỏ chuyển đến định cư từ những năm 1990. Với đặc thù địa hình nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn loài và sinh vật cảnh Nam Xuân Lạc và nằm trong vùng khai thác mỏ trên đỉnh núi Phja Khao của Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Bắc Kạn, nên đồng bào nơi đây gặp khá nhiều khó khăn trong sản xuất nông, lâm nghiệp, vì không có đất trồng lúa, chủ yếu là canh tác cây ngô một vụ trên những diện tích đất đồi núi có độ dốc cao, khí hậu quanh năm ẩm ướt và có sương mù bao phủ. Bên cạnh đó, giao thông đi lại khó khăn cũng là một trong những trở ngại lớn đối với người dân ở Phja Khao trong việc giao thương, trao đổi hàng hóa với bên ngoài…

Giống ngô lai cho năng suất cao góp phần tăng thu nhập cho người dân ở thôn Phja Khao(Chợ Đồn).
Giống ngô lai cho năng suất cao góp phần tăng thu nhập cho người dân ở thôn Phja Khao, xã Bản Thi (Chợ Đồn).

Xác định việc ổn định đời sống, đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho bà con ở Phja Khao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên Đảng bộ, chính quyền xã Bản Thi luôn chú trọng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện. Để từng bước giúp các hộ dân yên tâm sản xuất, hàng năm xã Bản Thi đều chỉ đạo cho cán bộ phụ trách địa bàn đẩy mạnh công tác bám nắm cơ sở, qua đó đề ra hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện ở thôn. Mặt khác, tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, nhằm hỗ trợ tạo động lực cho người dân đầu tư sản xuất.

Cụ thể là chương trình đưa cây su su vào thâm canh trên đỉnh Phja Khao, mà chính quyền xã đã chủ động phối hợp với các ban, ngành từ tỉnh đến huyện sau một thời gian trồng thử nghiệm tại đây. Do đặc điểm khí hậu ở Phja Khao mát lạnh quanh năm nên rất phù hợp để canh tác, cây su su trồng ở đây phát triển tốt, ngọn mập, sản lượng quả nhiều và đạt năng suất cao. Từ chỗ chỉ có vài hộ trồng thử nghiệm ban đầy, đến nay su su đã được triển khai thâm canh đại trà đối với tất cả các hộ dân ở Phja Khao, nhà ít thì vài chục hốc, nhiều lên tới hàng trăm hốc. Nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc cũng đã triển khai hỗ trợ khoảng 300 cọc bê tông cho các hộ để làm giàn vững chắc, tránh mối mục do thời tiết.

Trồng su su nhiều nhất hiện nay ở Phja Khao là gia đình ông Phạm Hữu Nghiệp, vụ đầu tiên, gia đình ông chỉ trồng khoảng 200 hốc, tuy nhiên nhận thấy nhu cầu tiêu thụ ngọn và quả trên thị trường khá lớn, nên gia đình ông đã mở rộng diện tích lên khoảng 800 hốc. Chưa tính thu nhập từ quả, chỉ riêng việc tỉa ngọn su su đem bán cũng cho thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng. Ông Phạm Hữu Nghiệp cho biết: Loại cây này trồng không khó, lại rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, các sản phẩm từ cây su su sau thu hoạch được các tiểu thương thu mua đánh giá rất cao về năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thị trường hiện nay. Bên cạnh trồng cây su su, gia đình ông Nghiệp còn đầu tư chăn nuôi trâu, bò, lợn; máy xay xát để phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng… Hàng năm trừ mọi chi phí đầu tư từ các khoản thu nhập, gia đình ông Nghiệp cũng thu về trên trên dưới 100 triệu đồng, trở thành hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình ở địa phương.

Trưởng thôn Phja Khao Đặng Phúc Phẩm chia sẻ: Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng các cấp chính quyền ở địa phương, đời sống của đồng bào Dao nơi đây đã có nhiều chuyển biến đáng kể, bà con được tiếp cận  với nhiều chương trình chuyển giao khoa học kĩ thuật, thay đổi tập quán canh tác, đưa các giống ngô lai cho năng suất cao vào sản xuất... nên đã góp phần làm thay đổi đời sống kinh tế của người dân. Nếu những năm 2005 trở về trước, tỷ lệ hộ nghèo của thôn là 100%, thì nay giảm chỉ còn 17 hộ nghèo, trung bình mỗi năm thôn phấn đấu có từ 1-2 hộ thoát nghèo; hiện 100% các hộ đều có nhà ở bán kiên cố, có phương tiện đi lại... Bên cạnh trồng ngô, su su, các hộ còn được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mở rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Toàn thôn hiện có 25 hộ vay vốn, với tổng dư nợ gần 500 triệu đồng, nguồn vốn này chính là tiền đề để đồng bào trong thôn thoát nghèo có cuộc sống ổn định.

Kinh tế từng bước phát triển, đời sống ngày càng được cải thiện là điều kiện để nhân dân ở Phja Khao tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hiện nay thôn không có người nghiện ma túy, 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường… Tuy nhiên, để Phja Khao không còn hộ nghèo, thì rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp, các ngành trong việc đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật về thâm canh sản xuất, tạo động lực để đồng bào yên tâm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững./.

Quý Đôn

Xem thêm