Phụ nữ Bắc Kạn tiếp bước truyền thống, xây dựng tổ chức hội ngày càng lớn mạnh

Phan Thị Na, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm là ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là nơi tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng phụ nữ theo đường lối của Đảng. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của phụ nữ Người từng căn dặn: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Khắc ghi lời dạy của Bác, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn và phong trào phụ nữ đã phát huy truyền thống vẻ vang, luôn đoàn kết, tuyệt đối tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

z5930903390004-d39fcfe5e01ed944bde70bc223755fe0-392.jpg
Hội LHPN tỉnh tặng học bổng cho học sinh và quà cho hội viên Hội Phụ nữ tại Xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Trong kháng chiến chống Pháp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn tham gia kháng chiến đảm đương các nhiệm vụ như: Dân quân du kích, dân công hoả tuyến, sửa chữa đường giao thông, làm giao liên… điển hình có các mẹ Triệu Mùi Ghến (xã An Thắng); Hà Thị Tùng, xã Cao Tân (huyện Pác Nặm); huyện Ngân Sơn có 262 chị tham gia, trong đó có 4 chị hy sinh; huyện Ba Bể có 152 chị tham gia dân công; huyện Na Rì có 84 phụ nữ tham gia dân công, thanh niên xung phong; huyện Chợ Mới có 36 chị tham gia dân công hoả tuyến, tiếp lương, tải đạn…

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn phụ nữ Bắc Kạn đã dành cả tuổi thanh xuân cống hiến cho Tổ quốc. Nhiều chị trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường, những phụ nữ ở hậu phương tham gia dân quân tự vệ. Huyện Ngân Sơn có gần 300 chị; Ba Bể có 258 chị; Na Rì có 262 chị; Chợ Mới có 36 chị trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các nhiệm vụ khác như mở đường, y tá, văn công...

Nhiều Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng như: Mẹ Nguyễn Thị Mùi (xã Thanh Vận, Chợ Mới), Mẹ Mông Thị Chu (phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn), Mẹ Ma Thị Va (xã Mỹ Phương, Ba Bể), Mẹ Nông Thị Èn (xã Thượng Quan, Ngân Sơn)...

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, thời gian qua, phong trào phụ nữ tỉnh Bắc Kạn và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã không ngừng phát triển vững mạnh; các tầng lớp phụ nữ Bắc Kạn luôn đoàn kết gắn bó, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng tổ chức Hội hoạt động hiệu quả và góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng quê hương.

Các cấp Hội Phụ nữ luôn chủ động thực hiện các phong trào thi đua như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, rèn luyện phẩm chất đạo đức mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”… với nhiều cách làm hay, từ các hoạt động thực tế đã khẳng định vị thế, tài năng, sáng tạo của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, những năm qua các cấp Hội đã xây dựng, thành lập và duy trì hoạt động 282 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; hơn 360 Tổ truyền thông cộng đồng, 259 câu lạc bộ với 8.886 thành viên như: Câu lạc bộ "Phụ nữ và pháp luật", câu lạc bộ “Pháp luật và đời sống”, "Sinh kế và quyền của phụ nữ”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Phụ nữ cùng chia sẻ”, “Người phụ nữ mới”,“Xây dựng gia đình hạnh phúc”, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển”, “Cha mẹ hiểu con”, “khu phố an toàn”, “Làng quê an toàn” cho phụ nữ và trẻ em. Các mô hình, câu lạc bộ được duy trì sinh hoạt hằng tháng, quý nhằm trang bị kiến thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm, xóa bỏ định kiến giới khuôn mẫu giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em ở địa phương.

Bên cạnh đó, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ dành cho phụ nữ, các cấp Hội đã tập trung triển khai thực hiện tốt việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp Hội Phụ nữ đã xây dựng trên 600 mô hình học tập, làm theo Bác, các mô hình đều mang ý nghĩa thiết thực. Nhiều Chi hội duy trì mô hình “nuôi lợn đất, lợn nhựa”, “Ống tiền tiết kiệm”, hũ gạo tình thương... để giúp đỡ hội viên phụ nữ lúc khó khăn.

Trong các hoạt động an sinh xã hội, nhiều hội viên phụ nữ đã nhiệt tình hiến đất, ngày công, ủng hộ kinh phí làm đường liên thôn, mua trang thiết bị nhà văn hóa thôn... Hằng năm, có trên 90.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia tổng vệ sinh môi trường định kỳ, quản lý 438 đoạn đường phụ nữ tự quản, đoạn đường hoa; thực hiện trên 100 công trình, phần việc phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ hỗ trợ xây dựng 228 nhà “Mái ấm tình thương” với tổng giá trị là 3,684 tỷ đồng; nhận đỡ đầu 166 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Hội LHPN các cấp đã phối hợp với các ban, ngành tại địa phương tuyên truyền, vận động 352 nhà dân di dời tạm trú tới nơi an toàn; vận động hội viên phụ nữ góp 2.212 ngày công giúp các hộ gia đình khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra bằng những việc làm thiết thực như: Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vật dụng và môi trường xung quanh nơi ở, khu vực công cộng… Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN các huyện, thành phố đã phát động trong cán bộ Hội, các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ được tổng số 523 triệu đồng tiền mặt, hơn 2.000 suất quà nhu yếu phẩm, 800 cái bánh trưng, 600 bánh cóc mò, 1.000 cái bánh gio; 540 kg gạo, 500 đôi dép…;

trực tiếp thăm hỏi, động viên trao 115 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1.000.000 đồngcho học sinh nghèo bị ảnh hưởng bão lũ và tặng hơn 2.000 suất quà cho hội viên Hội Phụ nữ tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Bạch Thông, Pác Nặm, Ngân Sơn, Chợ Mới, Na Rì.

Ngoài ra, để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập, duy trì 32 Hợp tác xã với 234 thành viên nữ tham gia, 121 tổ hợp tác có trên 1.320 thành viên nữ tham gia trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến các sản phẩm có sẵn tại địa phương. Nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình của phụ nữ được thực hiện có hiệu quả như trồng khoai tàu, trồng bí xanh, trồng rau sạch, nấm, chè, trồng cây ăn quả, chăn nuôi ... cho thu nhập cao từ 100 - 400 triệu đồng/năm.

Các cấp Hội đã tín chấp cho hội viên phụ nữ vay vốn Ngân hàng CSXH với số dư nợ 1.119,66 tỷ đồng cho 14.839 hộ/thành viên; duy trì tốt mô hình “Ngân hàng bò” và “Lục lạc vàng” với 180 con tại 116 hộ được hưởng lợi. Từ các chương trình, hoạt động, các cấp Hội đã giúp đỡ được 32.232 lượt hộ hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo đứng chủ; kết quả đã có 12.235 hộ thoát nghèo, trong đó có 1.586 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ thoát nghèo; có 124. 408 lượt gia đình hội viên đạt 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Trong thời gian tới, Hội LHPN các cấp và Phụ nữ Bắc Kạn tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn, đồng sức đồng lòng xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thu hút tập hợp lực lượng phụ nữ đông đảo, rộng khắp, lớn mạnh đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương..../.

Xem thêm