Quốc hội giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

BBK - Hôm nay (30/10), Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Quang cảnh phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Đầu phiên thảo luận, các ĐBQH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Sau đó, các ĐBQH đã xem video clip về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về các nghị quyết đang trong giai đoạn triển khai thực hiện, một chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, do nhiều cơ quan đầu mối thực hiện, với nhiều chính sách, cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, hơn 100 nội dung thành phần và dự án, tiểu dự án… được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước.

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn tiếp tục kiến nghị rà soát và phân loại đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở để áp dụng chính sách cho phù hợp.

ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn tiếp tục kiến nghị rà soát và phân loại đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở để áp dụng chính sách cho phù hợp.

Đa số ĐBQH cho rằng, kết quả giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện các kết quả đã đạt được. Đồng thời, chỉ rõ được những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, phân tích kỹ các nguyên nhân, chỉ rõ được trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và có những kiến nghị rất cụ thể với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan.

Tham gia thảo luận, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn cơ bản đồng tình với Báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia 2021 - 2025 và giai đoạn 2021 - 2030 của Đoàn giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế tại địa phương, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân cho rằng hệ thống khung pháp lý và các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện giai đoạn 2021-2025 của Trung ương và một số địa phương chậm được ban hành, chưa đồng bộ hoặc đến nay chưa ban hành hướng dẫn là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện 3 Chương trình MTQG đạt thấp, nhất là nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, phản ánh những bất cập trong Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với nhiều chỉ tiêu và yêu cầu cao hơn so với Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong khi đó các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới có nhiều xã đặc biệt khó khăn, cần nhiều nguồn lực đầu tư nên việc đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí của giai đoạn 2021-2026 là rất khó khăn; một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện thực tế như: Tỷ lệ nghèo đa chiều quy định đạt dưới mức 13%, nhưng những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao như Bắc Kạn (24,71%), thì để đạt được mức quy định là thách thức lớn đối với địa phương. Đặc biệt, một số tiêu chí khó đánh giá tại thời điểm hiện tại như: Tỷ lệ người dân có sổ sức khỏe điện tử và tham gia, sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, không có thiết bị điện thoại thông minh, cũng như hệ thống mạng lưới internet còn hạn chế, có nơi chưa được phủ sóng... Do đó, đại biểu rất đồng tình đối với kiến nghị của Đoàn giám sát là cần sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn để ban hành Bộ tiêu chí mang tính chất định hướng chung, xuyên suốt và dài hơi hơn.

Tiếp tục theo đuổi kiến nghị về việc xác định đối tượng thụ hưởng từ Chương trình MTQG như đã phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân phản ánh: Trên địa bàn một số tỉnh, trong đó có tỉnh Bắc Kạn với hơn 10.000 hộ gia đình cần hỗ trợ, còn khá nhiều trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách khác như Chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg thời gian được hỗ trợ trợ cũng từ 15 đến 19 năm, mức hỗ trợ theo chương trình này thấp (5-6 triệu đồng/hộ), nhiều hộ được hỗ trợ theo các chương trình này vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện trạng nhà ở đã hư hỏng, dột nát có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống. Đại biểu đề nghị cần đánh giá hiệu quả nguồn vốn của 2 chương trình trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chính sách ưu đãi hơn (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: NSTW hỗ trợ 40 triệu/hộ và không có chính sách vay vốn ưu đãi của các Ngân hàng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: NSTW hỗ trợ 40 triệu/hộ và được vay vốn Ngân hàng Chính sách với lãi vay ưu đãi với mức tối đa là 40 triệu/hộ) nên có tình trạng so sánh và lựa chọn nguồn vốn hỗ trợ nhà ở của chương trình này với chương trình kia, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Từ những vấn đề trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành: Rà soát, nghiên cứu và phân loại đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở để áp dụng chính sách cho phù hợp; trong mỗi Chương trình có nội dung, đối tượng thụ hưởng giống nhau đề nghị quy định mức hỗ trợ và các điều kiện hỗ trợ khác tương đồng, tránh chồng chéo, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân khi thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn tham gia thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn tham gia thảo luận.

Cùng tham gia thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn phản ánh những khó khăn của cán bộ, công chức và đồng bào dân tộc thiểu số đang công tác và sinh sống ở khu vực miền núi, ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa khi lương và chế độ phụ cấp thấp và những thiếu thốn, thiệt thòi gặp phải do người dân không được sử dụng điện lưới quốc gia, không được tiếp cận với những tiện ích và văn minh do điện đem lại.

Đại biểu Huế cho biết, hiện nay Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025 do Bộ Công thương trình Chính phủ chưa được phê duyệt, do đó không có cơ sở đề xuất nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn thực hiện dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện, chưa cân đối được khoảng hơn 20.883 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ này.

Bên cạnh đó, lo lắng việc mai một, mất dần bản sắc văn hóa dân tộc đang diễn ra trước tác động của nền kinh tế thị trường, sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật và công nghệ, môi trường văn hóa bị pha tạp, ảnh hưởng của văn hóa nhập ngoại.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế kiến nghị: Một là, đề nghị quan tâm bố trí, cân đối nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để tiếp tục đầu tư, thực hiện việc cấp điện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và hải đảo để gần 2 triệu người dân được thụ hưởng những tiện ích do điện mang lại, giảm bớt thiệt thòi, góp phần nâng cao dân trí, an sinh xã hội.

Hai là, đề nghị quan tâm có chính sách về tiền lương, phụ cấp thỏa đáng để cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đội ngũ này đảm bảo đời sống, yên tâm công tác, khích lệ sự nỗ lực để tiếp tục cống hiến cho sự phát triển KT - XH của mỗi địa phương, tăng cường năng lực, chất lượng cho đội ngũ này để đáp ứng yêu cầu công việc được tốt hơn.

Ba là, đề nghị quan tâm bố trí thêm nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoặc thiết kế nội dung trong chương trình chấn hưng văn hóa để thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, cần có sự quan tâm triển khai trong hệ thống giáo dục để thế hệ trẻ, các bạn học sinh sinh viên, thanh thiếu niên nhi đồng biết yêu, biết giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình./.

Xem thêm