Quang cảnh tại Tổ thảo luận số 3. |
Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã đánh giá về những nội dung như: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương);
Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch gồm: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tham gia thảo luận, xuất phát từ những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội trong thời gian qua và từ những ý kiến, kiến nghị của cử tri địa phương, các vị ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều ý kiến phát biểu.
Các ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận tại tổ. |
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (Đoàn Bắc Kạn) cho biết: việc dạy thêm, học thêm, lạm thu quỹ của hội cha mẹ học sinh thời gian qua là vấn đề cần được xem xét trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới và công tác quản lý của các nhà trường. Đề cập đến việc tiếp cận với chính sách nhà ở xã hội, đại biểu Thủy đề nghị cần có chỉ đạo, tính toán phương pháp triển khai hiệu quả hơn, tránh các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, có giải pháp toàn diện từ công tác triển khai ở từng địa phương và phải thật phù hợp để các đối tượng có điều kiện tiếp cận chính sách. Liên quan đến trật tự an toàn xã hội, đề nghị làm rõ nguyên nhân của tình trạng gia tăng tội phạm, tình trạng cháy nổ, không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” như các vụ việc xảy ra trong thời gian qua...
Từ Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các báo cáo giữa nhiệm kỳ của Chính phủ, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị Chính phủ bổ sung thêm vào các báo cáo và có giải pháp cho các vấn đề về: Chính sách đào tạo nghề và giải quyết tình trạng thất nghiệp trong thanh niên, cần quan tâm thực hiện các chỉ tiêu trong Chính sách phát triển thanh niên Việt Nam, trong đó quan tâm đến nhu cầu đào tạo nghề, khả năng đáp ứng của người học nghề, cơ sở đào tạo và khả năng giải quyết việc làm.
Phản ánh tình trạng thiếu thuốc khám chữa bệnh BHYT trong các cơ sở y tế công lập, đại biểu Ngân bày tỏ quan điểm đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế việc cần có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc và có cơ chế hoàn trả chi phí cho người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh không được hưởng thuốc trong danh mục BHYT. Bên cạnh đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tình hình, có chính sách hỗ trợ BHYT đối với người dân ở các xã mới về đích nông thôn mới của các tỉnh không cân đối được ngân sách để hỗ trợ cho người dân.
Về tình trạng hút thuốc lá điện tử rất phổ biến hiện nay, đại biểu Ngân đề nghị Chính phủ có đánh giá khoa học về tác hại của việc hút thuốc lá điện tử, tránh tình trạng lợi dụng đưa ma túy vào, đồng thời có khuyến cáo, quy định việc sử dụng cụ thể, rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ; cần quan tâm đến công tác đấu tranh phòng chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng để bảo vệ giới trẻ và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn kiến nghị được chuyển nguồn các Chương trình MTQG được phân bổ năm 2023 nhưng chưa kịp giải ngân do các văn bản hướng dẫn của Trung ương ban hành chậm để tiếp tục thực hiện trong năm 2024. Từ kiến nghị của cử tri, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị Chính phủ sớm cụ thể hóa Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tập trung vào các chính sách như: Khoán bảo vệ rừng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển thị trường tín chỉ cacbon… để người dân "mặn mà" hơn với công tác bảo vệ rừng.
Quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương miền núi, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn phản ánh những khó khăn, thiệt thòi của người dân miền núi ở những thôn, bản chưa có điện. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, bố trí vốn đầu tư điện lưới quốc gia cho những vùng này để góp phần phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn rất thấp, không đảm bảo đời sống, trong khi đây là lực lượng gần dân, sát dân nhất, đại biểu Huế đề nghị quan tâm hơn đến chính sách tiền lương cho đối tượng này, đồng thời cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã đủ năng lực về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị để thực hiện nhiệm vụ…
Cùng tham gia thảo luận, một số đại biểu quan tâm, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp để tạo điều kiện việc làm và thu nhập cho người nông dân. Có ý kiến băn khoăn về việc giải ngân thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia quá chậm trong khi nguồn vốn phân bổ rất lớn, tuy Chính phủ đã chỉ ra được hạn chế nhưng không rõ trách nhiệm là của ai. Một số đại biểu ghi nhận sự cố gắng của các cơ quan tư pháp trong thực hiện các giải pháp phòng chống tội phạm trong năm 2023, tuy nhiên đề nghị cần đánh giá kỹ nguyên nhân gia tăng tình hình phạm tội của đối tượng trẻ tuổi, trẻ vị thành niên để có giải pháp phòng ngừa…
Cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) ghi nhận các kiến nghị, phản ánh của ĐBQH về những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đồng thời giải đáp một số vấn đề ĐBQH nêu. Trong đó có thông tin về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, đề nghị Chính phủ điều chỉnh nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG năm 2023 để tiếp tục giải ngân trong năm 2024; xem xét bổ sung trong Nghị quyết của kỳ họp này về việc đầu tư điện lưới quốc gia cho những thôn, bản chưa có điện./…