Quốc hội thảo luận tại Tổ về 2 Dự án Luật

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chiều 08/11, Quốc hội làm việc tại Tổ để thảo luận về Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận tại Tổ thảo luận số 3, cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi.

Các đại biểu tham gia thảo luận đều bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với sự cần thiết và tính kịp thời của việc xem xét, ban hành hai dự thảo luật trên. Bên cạnh đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện các quy định cụ thể trong từng dự thảo luật.

Quy định thật chặt chẽ việc đặt cọc trong đấu giá tài sản

Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017 đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về đấu giá tài sản, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát sinh một số vấn đề mới, chưa được điều chỉnh; một số quy định Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn thảo luận góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tham gia thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết: Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định về thời gian tổ chức đấu giá tài sản tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày và tại khoản 2 Điều 39 quy định thời gian thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá là chưa phù hợp, không khắc phục được tình trạng người tham gia đấu giá biết trước thông tin và có thể thông đồng với nhau không thực hiện việc nộp tiền, dẫn tới ít người đặt tiền trước và mua được tài sản đó với giá rất thấp. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị điều chỉnh thời gian nộp tiền trước từ 5-7 ngày, kéo dài hơn đối với đấu giá quyền sử dụng đất liên quan đến khoáng sản trước 10 ngày để tránh tình trạng thông thầu khi biết được thông tin trước.

Đối với quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá tại Điều 48 của Luật, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân phản ánh, hiện nay có trường hợp khi tham gia đấu giá thì trả giá rất cao, nhưng khi trúng đấu giá thì bỏ cọc không thực hiện các thủ tục tiếp theo để giao, nhận tài sản qua đấu giá, gây ra tình trạng rối loạn thị trường, nhất là trong đấu giá tài sản là đất. Để ngăn chặn tình trạng khi đấu giá trả giá rất cao sau đó bỏ hợp đồng, đại biểu đề nghị có quy định xử phạt vi phạm bằng 30% hoặc 50% trúng đấu giá tài sản đã trả để khắc phục được tình trạng bỏ cọc, hủy đấu giá.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung các quy định về đấu giá trực tuyến và thiết kế thành 1 chương riêng quy định đầy đủ về quy trình, thủ tục… trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh.

Cần quy định rõ nét vị trí, vai trò, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQPAN và ĐVCN) trình Quốc hội tại kỳ họp này gồm 7 Chương và 73 Điều quy định về vị trí, nhiệm vụ của CNQPAN; nguyên tắc xây dựng, phát triển, chế độ, chính sách, nguồn lực đối với CNQPAN và ĐVCN; chuẩn bị và thực hành ĐVCN; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

ĐBQH Hoàng Văn Hữu, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu I (Đoàn Bắc Kạn) góp ý dự thảo Luật CNQPAN và ĐVCN.

ĐBQH Hoàng Văn Hữu, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu I (Đoàn Bắc Kạn) góp ý dự thảo Luật CNQPAN và ĐVCN.

Tham gia thảo luận, ĐBQH Hoàng Văn Hữu, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu I (Đoàn Bắc Kạn) khẳng định dự thảo Luật CNQPAN và ĐVCN có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng tiềm lực quốc phòng và an ninh, phục vụ cho nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Góp ý vào các quy định cụ thể trong dự thảo luật, đại biểu Hoàng Văn Hữu cho rằng, khoản 2 Điều 2 quy định Động viên công nghiệp là huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực của tổ chức, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ tranglà chưa đầy đủ. Vấn đề đặt ra là, đối với các cơ sở công nghiệp quốc phòng và cơ sở công nghiệp an ninh hiện nay, khi có tình huống quốc phòng hoặc an ninh cần huy động thì thực hiện đối với các cơ sở này như thế nào. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, tính toán kỹ quy định về “động viên công nghiệp” trong dự thảo Luật cho rõ ràng, đầy đủ, chặt chẽ, không tạo ra khoảng trống đối với các nguồn lực sẵn có của lực lượng QP, AN khi cần huy động.

Về vị trí, nhiệm vụ của CNQPAN và ĐVCN quy định tại Điều 3 của dự thảo, đại biểu Hoàng Văn Hữu đề nghị thiết kế lại Điều này theo hướng tách riêng quy định về vị trí và nhiệm vụ cho cụ thể, rõ nét. Trong đó, cần nêu bật tầm quan trọng của CNQPAN và nêu rõ nhiệm vụ ĐVCN trong nền công nghiệp quốc gia, trong xây dựng tiềm lực QPAN và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Hữu đề nghị cần nghiên cứu kỹ, quy định rõ nhiệm vụ của lực lượng QP, AN tại khoản 5 Điều 4, nhiệm vụ nào lực lượng quốc phòng làm, nhiệm vụ nào lực lượng an ninh làm, nhưng phải trên cơ sở thực hiện thống nhất theo kế hoạch của Chính phủ./.

Xem thêm