Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Chiều 09/11, Quốc hội làm việc tại Tổ để thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).  

Trước đó, các đại biểu đã họp tại Hội trường để nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 6 gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương, trong đó bổ sung 54 Điều mới, sửa đổi 93 Điều, giữ nguyên 07 Điều. Việc sửa đổi Luật Tổ chức Toà án nhân dân lần này có nhiều nội dung quan trọng, phạm vi sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung lớn, đối với nhiều điều, đặc biệt là các nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử...

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn) thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn) thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).

Tham gia thảo luận với vai trò là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đã cung cấp thêm nhiều thông tin cho các đại biểu về các vấn đề Tòa án nhân dân tối cao đang xin ý kiến như: Có hay không có quy định Tòa án nhân dân tối cao thực hiện quyền tư pháp, về điều chỉnh việc thu thập chứng cứ, về Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán, về đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân các cấp…

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy đã góp ý về một số nội dung quan trọng khác trong dự thảo luật như: Sự cần thiết của việc bổ sung quy định giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử; về việc bỏ thẩm quyền khởi tố trong xét xử án hình sự là phù hợp với việc phân bố các chức năng trong tố tụng hiện nay. Đồng thời, đại biểu bày tỏ quan điểm tán thành việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, vừa đảm bảo cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và kinh nghiệm quốc tế.

Cùng tham gia thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Tổ chức Toà án nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao rà soát kỹ các nội dung liên quan cho tương thích với các Luật sửa đổi kỳ này.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận.

Đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng quy định về “quyền tư pháp” tại khoản 1 Điều 3 là phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Nhất trí với quy định về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (Điều 15), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng Tòa không thu thập chứng cứ trong các vụ án hình sự là hợp lý, còn đối với các vụ án dân sự cần quy định rõ để xác định người yếu thế trong xã hội và cũng cần có quy định rõ cơ quan nào hướng dẫn, giúp đỡ, phương thức hỗ trợ, phạm vi hỗ trợ... để thuận lợi, thống nhất áp dụng trên thực tiễn.

Về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện như dự thảo có điểm hợp lý, đảm bảo độc lập giữa các cấp xét xử và theo thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân, tuy nhiên đề nghị cần quy định rõ, tách bạch nhiệm vụ của Tòa án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân sơ thẩm, để việc đổi mới là thực chất trong mối quan hệ với các cơ quan tư pháp khác.

Theo Chương trình kỳ họp, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận ở hội trường vào ngày 22/11/2023./.

Xem thêm