Quốc hội thảo luận về dự án Luật Căn cước và dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi)

BBK - Bên cạnh việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội khóa XV bầu, phê chuẩn, ngày 25/10 Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Căn cước và dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi).
Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Đối với dự thảo Luật Căn cước, đa số đại biểu nhất trí với các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn băn khoăn, thảo luận về việc có nên cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính hay không. Vì hiện nay các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đang rà soát phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt yêu cầu, tiêu chuẩn về diện tích, dân số. Số lượng các đơn vị thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 là rất lớn. Với quy định nêu trên sẽ dẫn đến số lượng người cần đổi thẻ căn cước là cực kỳ lớn, tạo gánh nặng đối với người dân về chi phí, thời gian, công sức và các chi phí dịch vụ phát sinh khác. Đồng thời gia tăng áp lực cho các cơ quan thực hiện công tác này tại các địa phương.

Về đề xuất bỏ thông tin nơi cư trú trên thẻ căn cước, ĐBQH nêu vấn đề vừa qua chỉ một chi tiết “nơi sinh” trong hộ chiếu mà đã phải sửa đổi quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh. Trong khi đó, nơi sinh thay đổi khi thay đổi đơn vị hành chính. Thông tin về “nơi cư trú” của công dân trên thẻ căn cước là yếu tố “động”, vậy vấn đề đặt ra là “nơi cư trú” là nơi thường trú hay nơi tạm trú thì trong dự thảo Luật cũng chưa được làm rõ. Qua thảo luận, có đại biểu đề xuất giải pháp cho vấn đề này là khi có thay đổi địa chỉ nơi cư trú vì điều chỉnh đơn vị hành chính thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh các thông tin này trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi cư trú hoàn toàn có thể truy cập qua mã QR trên thẻ căn cước và định danh điện tử trên VNEID rất dễ dàng. Do đó, giải pháp đơn giản nhất là bỏ thông tin nơi cư trú trên thẻ căn cước, và những thông tin này sẽ được sử dụng thông qua căn cước điện tử và cơ sở dữ liệu.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật Căn cước, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu các vấn đề được đại biểu đánh giá, phân tích để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, nhất là các vấn đề về cơ sở dữ liệu về căn cước; thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước…

Đối với dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau như: Về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (Điều 13, 47 và 67), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định các doanh nghiệp bắt buộc phải cam kết dùng chung và chia sẻ hạ tầng; nội dung quy định về giá thuê hạ tầng dùng chung; quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ cho thuê hạ tầng viễn thông; quy định hiệp thương giá nếu các bên không thoả thuận được về giá chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông (khoản 3 Điều 47); bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông… Một số ý kiến đề nghị giao cho địa phương quyết định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông trên địa bàn.

Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet, có ý kiến đề nghị cần tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm triển khai việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet theo hướng quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá; quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân. Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày. Đồng thời, quy định trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.

Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định chuyển tiếp; việc lắp đặt các công trình viễn thông trên trụ sở công phải bảo đảm an toàn, an ninh cho cơ quan, tổ chức quản lý trụ sở, tài sản công. Việc lắp đặt các trạm thu phát sóng phải an toàn và bảo đảm sức khỏe sinh hoạt cho người dân xung quanh, không làm ảnh hưởng đến hoạt động, thiết bị, cơ sở vật chất của các cơ quan nhà nước, đơn vị, người dân.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các ĐBQH đã tham gia nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự thảo Luật như: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, tính thống nhất với hệ thống pháp luật... Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Xem thêm