Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

BBK - Sáng 15/01/2024, sau khi kết thúc Phiên khai mạc, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, bà Hồ Thị Kim Ngân phát biểu góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, bà Hồ Thị Kim Ngân phát biểu góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn, bà Hồ Thị Kim Ngân quan tâm đến một số nội dung liên quan đến tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và vấn đề thu hồi đất được quy định trong dự thảo.

Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Tại khoản 4 Điều 76 dự thảo Luật, theo đại biểu, quy định này được xây dựng nhằm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn lực về đất đai, cũng như chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định liên quan trong dự thảo Luật, như quyền được chuyển mục đích sử dụng đất tại khoản 5 Điều 116 dự thảo và khoản 4 Điều 67; để tạo sự thống nhất trong áp dụng quy định, tại khoản 4 Điều 76 cần thiết bổ sung các quy định loại trừ nêu trên.

Về việc điều chỉnh, hủy bỏ diện tích đất được xác định thu hồi trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện quy định tại Điều 76, đại biểu đề nghị cần làm rõ một số nội dung sau: Tại khoản 7 có đề cập đến việc điều chỉnh, hủy bỏ, tuy nhiên tại khoản 8 chỉ đề cập đến việc hủy bỏ. Trường hợp có “điều chỉnh”, có “hủy bỏ”, thì việc điều chỉnh tại khoản 7 có được hiểu là điều chỉnh về thời gian thu hồi không? Trường hợp có điều chỉnh về thời gian thu hồi, thì thậm chí việc xác định trong kế hoạch sử dụng đất để thu hồi sẽ nhiều hơn 2 năm và mục đích của quy định không đạt được hiệu quả.

Trường hợp chỉ có yêu cầu “hủy bỏ”, nếu sau 2 năm liên tiếp không thực hiện, thì việc xử lý sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục nào? Có cần thiết thông qua HĐND tỉnh trước khi UBND tỉnh công bố việc hủy bỏ không (do theo quy định tại khoản 5 Điều 72, trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất), trường hợp không thông qua HĐND tỉnh, thì việc báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch với HĐND tỉnh cần được thực hiện, đảm bảo việc theo dõi, giám sát thực hiện.

Về thu hồi đất

Liên quan đến nội dung quy định tại khoản 32 Điều 79, đại biểu đề nghị xem xét bỏ nội dung quy định này. Theo đại biểu, trên thực tiễn có thể phát sinh các trường hợp chưa được dự liệu, do đó luật quy định nội dung tại khoản 32. Tuy nhiên việc quy định như dự thảo cũng chính là sửa đổi luật, không có giao thẩm quyền cho cơ quan khác, do vậy điều khoản này là không cần thiết.

Tại khoản 7, Điều 81 quy định về một số trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, quy định về các trường hợp thu hồi này được kế thừa theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đồng thời bổ sung nội dung về thời hạn đưa đất vào sử dụng sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên đề nghị nghiên cứu, bổ sung khung thời gian đưa đất vào sử dụng khi bị xử phạt vi phạm hành chính, để đảm bảo quy định hiệu quả.

Về thu hồi đất trong trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện: Điều 48 quy định về trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện và khoản 1 quy định: “Cá nhân là người dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật này được để thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.

Trường hợp người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này thì Nhà nước thu hồi đất; trường hợp người sử dụng đất chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh nơi có đất đến nơi khác sinh sống hoặc không còn nhu cầu sử dụng mà không tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật cho người có đất thu hồi. Diện tích đất đã thu hồi được dùng để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là người dân tộc thiểu số theo chính sách quy định tại Điều 16 của Luật này”.

Việc quy định như dự thảo nhằm đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai cho người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần xem xét nghiên cứu bổ sung, làm rõ các quy định liên quan nhằm đảm bảo tính đồng bộ, cụ thể:

Các trường hợp thu hồi đất được quy định trong dự thảo Luật gồm: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 78); thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79); thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (Điều 81); thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (Điều 82), trong đó quy định tại khoản 2 Điều 82 “Người sử dụng đất giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và có đơn tự nguyện trả lại đất”, cũng không thỏa mãn trường hợp thu hồi đất nêu trên. Do vậy, cần bổ sung một khoản vào Điều 82 dự thảo trường hợp này, để đảm bảo bao quát tất cả các trường hợp thu hồi đất, trên cơ sở đó hoàn thiện các quy định liên quan.

Dự thảo Luật chỉ quy định việc bồi thường tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người sử dụng đất chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh nơi có đất đến nơi khác sinh sống, hoặc không còn nhu cầu sử dụng mà không tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16. Còn đối với trường hợp người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này thì dự thảo Luật quy định việc thu hồi đất, không quy định việc bồi thường tài sản gắn liền với đất là chưa đảm bảo hợp lý trong trường hợp có tài sản trên đất và có người thừa kế nhưng không là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16./.

Xem thêm