Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi.
Mở đầu phiên họp, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 06 chương và 65 điều; bỏ 02 điều và bổ sung 02 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Trong phiên họp, đã có 23 lượt đại biểu tham gia thảo luận. Các ý kiến tập trung góp ý vào các quy định về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm làm rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; các quy định về nội dung quy hoạch chung được cụ thể hóa tại quy hoạch phân khu, các nội dung tại quy hoạch phân khu được cụ thể hóa tại quy hoạch chi tiết; các nguyên tắc, nguồn lực thực hiện quy hoạch…
Một số đại biểu đề nghị làm rõ các khái niệm: “khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị”, "khu chuyển đổi chức năng", "khu hạn chế phát triển", "khu phát triển mới", "khu dự trữ phát triển", đồng thời xác định các cấp đô thị, đặc biệt là đô thị lớn và siêu đô thị để có hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện và biện pháp quản lý để bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình áp dụng Luật.
Về việc lấy ý kiến của cộng đồng trong quy hoạch, có ý kiến cho rằng, thời gian lấy ý kiến trong dự thảo luật quy định là 30 ngày đối với cộng đồng dân cư nhưng chưa quy định về việc tiếp thu, phản hồi như thế nào là chưa đảm bảo khả thi. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ cơ chế tiếp nhận, xử lý phản hồi lại cho cộng đồng và cũng đề nghị nghiên cứu cần bổ sung quy định về việc tổ chức các buổi đối thoại công khai giữa các cơ quan chức năng và người dân trong trường hợp có tranh chấp hoặc bất đồng ý kiến về quy hoạch để đảm bảo minh bạch và đồng thuận, thuận lợi hơn trong quá trình triển khai quy hoạch.
Dự thảo Luật đang quy định việc phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ cùng cấp có thẩm quyền phê duyệt, cùng cấp độ, khác cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện. Tuy nhiên, quy định như vậy làm thay đổi nguyên tắc trong việc tuân thủ của quy hoạch là quy hoạch cấp cao hơn phải được lập trước làm cơ sở cho quy hoạch cấp thấp hơn. Vấn đề này sẽ làm cho việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị nông thôn trong phạm vi địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã, huyện, xã rời rạc, không có sự chia sẻ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cấp thẩm định quy hoạch.
Có đại biểu cho rằng, dự thảo Luật quy định việc triển khai thực hiện quá nhiều quy hoạch trên 01 địa bàn hành chính (quy hoạch xã, quy hoạch huyện trên địa bàn hành chính 01 tỉnh) sẽ làm tăng các khoản mục chi trong cơ cấu chi ngân sách Nhà nước từ Trung ương đến địa phương có thể gây lãng phí nguồn lực ngân sách, chưa đảm bảo mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW. Vì vậy, quy định không lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xã cần phải lập quy hoạch chung là chưa phù hợp. Do đó, đại biểu cho rằng quy hoạch chung huyện có thể tích hợp các nội dung định hướng phát triển xã trong huyện, không cần thiết phải lập quy hoạch chung cấp xã mà tích hợp quy hoạch chung cấp xã trong quy hoạch chung cấp tỉnh.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là dự án Luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến các dự án xây dựng của doanh nghiệp, người dân, đến nhiều quy định của các Luật khác; cũng như nhiều loại quy hoạch khác… Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật./.