Quốc hội thảo luận về kế hoạch đầu tư công và ngân sách nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Sáng 02/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung quan trọng trong nghị trình.

Cụ thể, Quốc hội thảo luận, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Các ĐBQH Đoàn Bắc Kạn tham gia thảo luận góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Các ĐBQH Đoàn Bắc Kạn tham gia thảo luận góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, tăng cường công tác quản lý, siết chặt kỷ luật kỷ cương giúp cho hoạt động đầu tư công đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá rõ công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực, giải phóng mặt bằng đến triển khai thi công và giải ngân vốn đầu tư, trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách... vẫn còn nhiều vướng mắc, trong nhiều trường hợp là điểm nghẽn, làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án, công trình.

Đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai Đề án trên, đồng thời đánh giá hiệu quả khi triển khai thực hiện trong nửa cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thực tế thị trường, có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, hướng đến đem lại cuộc sống mới tốt hơn cho người dân.

Một số đại biểu nêu rõ, bên cạnh các chỉ tiêu về tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân ở giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 29/2021/QH15 còn đề cập đến chỉ tiêu số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn. Qua đó đề nghị, Chính phủ cần rà soát, đánh giá tiến độ, khả năng thực hiện của các dự án trong giai đoạn 2021 – 2025 một cách cụ thể và xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện chi tiết, kịp thời tháo gỡ khó khăn để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc tại Tổ để thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Cơ bản các đại biểu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đồng thời thảo luận đóng góp nhiều ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.

Tham gia thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn Bắc Kạn) tham gia góp ý vào các quy định tại Điều 37 về Xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đại biểu Thủy cho biết: Theo báo cáo của Chính phủ, số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trung bình một năm trong giai đoạn 5 năm trở lại đây là trên 10 nghìn tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi cần chi trả chế độ thai sản, ốm đau… Đại biểu mong muốn việc sửa Luật BHXH có thể tháo gỡ vướng mắc này. Theo đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ và xem xét, sửa đổi các khoản 3, 4, 5, 6 để tránh mâu thuẫn với quy định của Bộ Luật hình sự về quyền khởi tố hình sự, xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH…

Quan tâm đến các quy định về đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho rằng, quy định tại Điều 20 “Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật” đang mâu thuẫn với quy định về điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại Điều 21 là “đủ 75 tuổi trở lên”, cần phải xem xét, sửa đổi cho phù hợp. Về quy định mức hưởng trợ cấp, có một số mức hưởng trợ cấp trong dự thảo Luật được quy định với mức tiền cụ thể, ĐBQH Nguyễn Thị Huế đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nghiên cứu sửa đổi cách tính mức hỗ trợ theo hướng căn cứ mức lương cơ sở để xác định tỷ lệ % hưởng trợ cấp để đảm bảo tính ổn định lâu dài của Luật sau khi ban hành, phù hợp với thực tiễn, tránh phải sửa đổi Luật.

Cùng tham gia thảo luận, Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu I (ĐBQH Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, quy định mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng tại Khoản 1 Điều 34 bằng 22% mức thu nhập là chưa phù hợp, cần quy định linh hoạt, có độ mở và nên quy định 22% là mức đóng “tối thiểu”. Góp ý các quy định về điều kiện hưởng lương hưu tại Điều 64 đang được liệt kê chia theo độ tuổi và đối tượng là nam hoặc nữ, đại biểu đề nghị xem xét quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Hữu đề nghị nghiên cứu kỹ quy định về điều kiện hưởng mức lương hưu hằng tháng. Dự thảo luật đang quy định theo Luật Lao động áp dụng chung cho các đối tượng, tuy nhiên quy định này chưa phù hợp với quy định về tuổi nghỉ hưu của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang như công an, bộ đội, dẫn đến thiệt thòi khi tính hưởng lương hưu hằng tháng không đạt mức tối đa (75%) theo quy định. Do đó, cần xem xét, quy định cho phù hợp đối với lực lượng công an, bộ đội là đối tượng lao động đặc thù nặng nhọc, nguy hiểm.

Theo Chương trình kỳ họp, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường vào ngày 23/11./.

Xem thêm