Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên thảo luận chiều 31/10.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên thảo luận chiều 31/10.

Các đại biểu nhận định, so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, dự thảo Luật đã đề xuất một Chương mới (Chương IV) quy định kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản và có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, kinh tế vĩ mô của quốc gia, có liên quan đến nhiều dự thảo luật đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Để tránh chồng chéo, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn các quy định về kinh doanh bất động sản gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giữa dự thảo Luật (sửa đổi) với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi)…

Một số đại biểu bày tỏ sự quan tâm về trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người mua nhà ở. Hiện nay, tình trạng người dân mua nhà nhưng chậm được cấp giấy chứng nhận khá phổ biến, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng số vụ khiếu nại, khiếu kiện trong thời gian vừa qua. Các đại biểu cho rằng, trong trường hợp tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đưa bất động sản vào kinh doanh, thì cần quy định cụ thể các giải pháp bảo vệ người mua nhà.

Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, bắt đầu phiên thảo luận đầu tiên trong chương trình Kỳ họp thứ 6 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp cho thấy: Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, tăng trưởng GDP tính chung 9 tháng 2023 đạt 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%; xuất siêu 9 tháng gần 22 tỷ USD; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực; giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,38%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75.000 tỷ đồng; bội chi NSNN và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.

Cơ bản các đại biểu đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự giám sát, đồng hành, chủ động phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chắc chắn, linh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Quốc hội đánh giá kỹ các chỉ tiêu không đạt, nhằm phản ánh thực trạng tình hình, nhất là đối với 5 chỉ tiêu ước cả năm không đạt mục tiêu đề ra, cá biệt như chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động 3 năm liên tiếp không đạt không đạt mục tiêu đề ra, từ đó làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp phù hợp. Có đại biểu đề nghị cần khẩn trương, có biện pháp đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả; cần có giải pháp đột phá khắc phục, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công…

Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về các nội dung trên trong ngày 01/11/2023./.

Xem thêm