Rã Bản tích cực bê tông hóa đường liên thôn

Trong vài năm trở lại đây, bộ mặt kinh tế - xã hội của xã Rã Bản (Chợ Đồn) đã có những bước tiến đáng kể. Kinh tế trang trại phát triển, mô hình vườn đồi trồng cây ăn quả theo hướng hàng hoá ngày càng được nhân rộng, đời sống người dân được cải thiện tích cực... Làm nên những thành quả ấy có phần đóng góp tích cực của việc bê tông hoá đường giao thông nông thôn.

Trong vài năm trở lại đây, bộ mặt kinh tế - xã hội của xã Rã Bản (Chợ Đồn) đã có những bước tiến đáng kể. Kinh tế trang trại phát triển, mô hình vườn đồi trồng cây ăn quả theo hướng hàng hoá ngày càng được nhân rộng, đời sống người dân được cải thiện tích cực... Làm nên những thành quả ấy có phần đóng góp tích cực của việc bê tông hoá đường giao thông nông thôn.


Rã Bản có tỉnh lộ 257 đi qua với chiều dài 3km. Cùng với đó, xã có 8,3km đường trục liên xã, liên thôn. Hệ thống đường giao thông nông thôn chia làm 3 tuyến chính, trước đây khi hoàn toàn là đường đất, mùa mưa lũ việc đi lại của nhân dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, UBND xã đã xây dựng Quy chế quản lý, bảo vệ, khai thác công trình đường giao thông nông thôn để các thôn thực hiện. Hằng năm, xã đều vận động nhân dân đóng góp ngày công và tiền để tu sửa đường giao thông.


Đồng chí Vy Hiệp Pháp- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Do làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân đồng thuận cao trong việc cứng hoá đường giao thông nông thôn. Xác định cây cam, quýt là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, người dân rất đồng tình, hưởng ứng việc bê tông hoá đường thôn để việc vận chuyển vật tư, cây giống và bán sản phẩm cho thương lái thuận tiện hơn. Từ năm 2008 - 2012, người dân trong xã đã đóng góp được 3.262 ngày công (tương đương hơn 260 triệu đồng) để tu sửa các tuyến đường liên thôn.

Tại thôn Khuổi Già, dưới sự vận động tích cực của trưởng thôn Triệu Văn Lâm, người dân đã đóng góp hơn 73 triệu đồng và 1.150 ngày công để bê tông hoá 750 mét đường liên thôn. Mức đóng góp được xã và người dân thống nhất ngoài ngày công lao động, mỗi lao động chính góp 250.000 đồng; lao động phụ 80.000 đồng. Tuy vậy, riêng tại thôn Khuổi Già, người dân tự nguyện nâng mức đóng góp lên 400.000 đồng/mỗi lao động chính để có nhiều nguồn lực bê tông hóa đường thôn.


Năm 2012, xã Rã Bản được huyện chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới. Được tỉnh đầu tư xi măng, Ban chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã đã họp dân, vận động bà con đóng góp ngày công và tiền mua cát, sỏi để làm đường. Kết quả, với 332 tấn xi măng được cấp, người dân các thôn đã đóng góp tiền và số ngày công quy ra tiền đạt trên 644 triệu đồng, hoàn thành bê tông hóa 1,75km đường liên thôn theo kế hoạch. Bước sang năm 2013, tiếp tục thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, xã Rã Bản đã bê tông hóa được 1,34km đường liên thôn. Dự kiến trong năm 2014, xã tiếp tục vận động nhân dân làm đường bê tông ở các thôn Pác Già và Khuổi Già.


Đường giao thông đi lại thuận lợi, người dân trong xã có điều kiện mở mang phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, dịch vụ, chăn nuôi theo hướng trang trại (cây đặc sản cam, quýt toàn xã hiện có 220ha). Mỗi khi tới mùa thu hoạch cam, quýt, tư thương có thể đưa ô tô về tận vườn để mua buôn… Bộ mặt kinh tế - xã hội của Rã Bản ngày càng đổi thay tích cực. Đến nay toàn xã chỉ còn 11 hộ nghèo và 06 hộ cận nghèo. Có thể nói, việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở vùng quê này đã nhận được sự vào cuộc hăng hái của cả chính quyền và người dân. Nhận thức của nhân dân đã được nâng cao một bước, họ chủ động hơn trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đó là điều rất đáng biểu dương và nhân rộng./.

Đăng Bách – Hồng Tuyến

Xem thêm