Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản

Sản xuất an toàn, vững vàng thương hiệu

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, tỉnh Bắc Kạn có điều kiện phát triển nhiều cây trồng đặc sản. Tuy nhiên, làm sao xây dựng được hình ảnh thương hiệu của các sản phẩm đặc sản một cách chuyên nghiệp, gia tăng sự tin cậy của khách hàng là vấn đề tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực thực hiện.

Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản đang được triển khai khá rầm rộ tại tất cả các địa phương trong cả nước. Ở cấp độ địa phương, hoạt động phát triển thương hiệu được tập trung ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ và tiến hành truyền thông giới thiệu sản phẩm trong khoảng thời gian gắn với thời vụ sản phẩm.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, sự tham gia của cộng đồng bản địa vào các nỗ lực phát triển thương hiệu còn chưa cao, tình trạng gian lận thương mại, trà trộn sản phẩm không đúng xuất xứ, chất lượng thấp bán cùng những sản phẩm đặc sản địa phương có nguy cơ làm xấu hình ảnh thương hiệu các đặc sản.

Huyện Ba Bể hiện có hơn 200ha bí xanh thơm.

Huyện Ba Bể hiện có hơn 200ha bí xanh thơm.

Sản phẩm đặc sản thường có yếu tố cộng đồng, không phải do duy nhất một người tạo ra, vì thế danh tiếng, hình ảnh, uy tín của sản phẩm phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực tham gia của cộng đồng. Đặc sản cũng bị chi phối và ảnh hưởng khá nhiều bởi những tác động của quá trình biến đổi khí hậu và áp lực từ các hoạt động tăng năng suất cực đoan trong quá trình sản xuất.

Chính vì vậy, việc tạo dựng và duy trì, phát triển danh tiếng cho các sản phẩm đặc sản thường đòi hỏi có sự nỗ lực tham gia đồng thời của nhiều bên liên quan, sự kiểm soát đối với tất cả các đoạn trong quy trình sản xuất, cung ứng và thương mại.

Bí xanh thơm là cây trồng bản địa, sản phẩm đặc sản của huyện Ba Bể đang được tỉnh Bắc Kạn tập trung đa dạng hoá các sản phẩm, khẳng định vị thế thương hiệu bí xanh thơm Ba Bể trên thị trường theo hướng sản xuất nông sản sạch, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm sản xuất từ nguồn nguyên liệu nông sản sạch của Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà.

Sản phẩm sản xuất từ nguồn nguyên liệu nông sản sạch của Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà.

Vụ xuân năm nay, Hợp tác xã (HTX) Yến Dương tiếp tục liên kết với các hộ dân trồng trên 10ha bí xanh thơm theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Giám đốc HTX Yến Dương Ma Thị Ninh cho biết: Tại xã Yến Dương, cây bí thơm được người dân gìn giữ và phát triển theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Năm 2023 không phải năm đầu tiên HTX Yến Dương sản xuất bí xanh thơm theo tiêu chuẩn hữu cơ mà ngay từ khi được thành lập năm 2018, HTX đã liên kết với các hộ dân trong vùng canh tác theo hướng hữu cơ gắn với tiêu chuẩn PGS (nguồn nước canh tác trong sản xuất hữu cơ phải là nguồn nước sạch, không ô nhiễm; cấm sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất tổng hợp kích thích tăng trưởng, các vật tư đầu vào có chứa chất biến đổi gen…), đồng thời thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị.

Sản phẩm của HTX vừa được cấp chứng nhận hữu cơ PGS, tiêu chuẩn TCVN và trong tháng 7 này sẽ được cơ quan chuyên môn đánh giá theo theo tiêu chuẩn JAS (tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản).

Sản phẩm bí xanh thơm của HTX Thanh Đức, xã Địa Linh được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hiện nay, bí xanh thơm Ba Bể và các sản phẩm từ bí xanh thơm đã có mặt tại các trung tâm thương mại lớn, hệ thống siêu thị bán lẻ tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ nguyên liệu chính là củ nghệ nếp, Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà tập trung phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn GMP và HACCP đưa ra thị trường đa dạng hóa các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như: BKA cumin 95, BKA cumin T98, BKA M2, BKA D2… Hiện nay Công ty đã nâng cao và hoàn thiện công nghệ, đưa ra thị trường 11 sản phẩm trong chuỗi giá trị cây nông sản như: Nghệ, gừng, giảo cổ lam, mật ong… 11 sản phẩm tham gia OCOP đều được đánh giá 4 sao và 3 sao. Sản phẩm của Công ty hiện được bán và phủ rộng khắp cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh, Giảng viên cao cấp Đại học Thương mại: Phát triển thương hiệu, điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng cho được một quy chế chặt chẽ quản lý chất lượng sản phẩm với những tiêu chuẩn chất lượng nhất định và quá trình cung ứng sản phẩm ra thị trường. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, quá trình cung ứng cần được trao quyền cho tổ chức tập thể những người có quyền lợi liên quan, trực tiếp khai thác và sử dụng thương hiệu. Chính quyền và các cơ quan chức năng sẽ đóng vai trò định hướng, quy hoạch, hỗ trợ và kiểm soát từ bên ngoài theo chức năng quản lý nhà nước.

Xem thêm