Sáng mãi tinh thần Xô Viết – Nghệ Tĩnh

BBK- Phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn 1930 – 1931, với đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã trở thành mốc son chói lọi, mở đầu lịch sử hào hùng, oanh liệt của cách mạng Việt Nam. Đánh dấu việc Đảng ta – một Đảng cách mạng dù còn rất non trẻ, lần đầu tiên đã thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết và huy động quần chúng nhân dân; là minh chứng hùng hồn về sự thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân ta.

16.jpg
Xô Viết - Nghệ Tĩnh là sự phát triển tất yếu của cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931. Ảnh tư liệu (hatinh.gov.vn).

Cách đây 94 năm, khi Nhân dân ta còn phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” lầm than nô lệ dưới xiềng xích thực dân, phong kiến. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 03/02/1930, vừa mới ra đời Đảng đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng lớn mạnh, xưa nay chưa từng có trong cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của Nhân dân bùng lên mạnh mẽ từ đầu năm 1930 trên khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ Ngày Quốc tế lao động 01/5/1930, lần đầu tiên công nông và dân chúng tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Từ thành phố đến nông thôn, trên cả ba miền đất nước đã xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, mít tinh, bãi công, biểu tình, tuần hành thị uy. Cao trào cách mạng do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh thành trong cả nước, trong đó Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất.

Ngày 01/8/1930, công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy tổng bãi công, đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt đã đến. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ - Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ kéo đến các huyện đường Can Lộc (ngày 04/8), Nam Đàn (ngày 06/8 và 30/8), Thanh Chương (ngày 12/8), Nghi Lộc (ngày 29/8) và lan rộng ra hầu khắp các huyện trong 2 tỉnh.

Tháng 9/1930, phong trào công - nông phát triển tới đỉnh cao; quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt, cuộc đấu tranh của hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên nổ ra ngày 12/9/1930 để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện và cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy, phản đối chính sách khủng bố của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Thực dân Pháp cho máy bay tới ném bom, làm 217 người chết, 125 người bị thương, càng làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân vùng lên như bão táp, bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô Viết.

Chính quyền Xô Viết đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân như: Ban bố quyền tự do dân chủ, tổ chức cho Nhân dân tham gia các đoàn thể cách mạng, trừng trị bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; chia lại công điền, công thổ cho nông dân, thực hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý... Chính quyền Xô Viết cũng tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình - thực sự là một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã trở thành ngọn cờ quy tụ và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ Nhân dân lao động trong cả nước.

Ngay từ khi ra đời, Nông hội đã thực hiện các quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội cho nông dân. Những chính sách và biện pháp được các Xã bộ nông - Xô Viết thực hiện đã tạo ra một khí sắc mới trong nông thôn. Lòng tin của quần chúng đối với Đảng và cách mạng được thể hiện rõ rệt. Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng và tài sản để chống lại chính sách khủng bố của đế quốc Pháp, bảo vệ Xô Viết.

Phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao Xô Viết - Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp ở nước ta. Từ phong trào này, lần đầu tiên công nhân và nông dân liên minh với nhau trong cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; chính quyền cách mạng ở một số vùng nông thôn đã ra đời. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 - 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”(1).

Từ Xô Viết - Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã từng bước thực hiện thắng lợi những mục tiêu của con đường đã lựa chọn.

Xô Viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, ngày càng có tác dụng sâu xa vào tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam trong hiện tại và mãi mãi về sau. Đó là bài học về kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường của dân tộc, quyết không chịu làm nô lệ; về đảm bảo vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng, thường xuyên đấu tranh chống “tả khuynh” và “hữu khuynh” để đảm bảo tính chất giai cấp công nhân của Đảng, làm cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bài học to lớn về sức lôi cuốn, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua đường lối, chủ trương, khẩu hiệu đúng đắn của Đảng, đáp ứng được khát vọng cháy bỏng của nhân dân; thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công nông vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài học về nghệ thuật sử dụng những hình thức và phương pháp cách mạng thích hợp với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể để giành, giữ chính quyền…

Kỷ niệm 94 năm Ngày Xô Viết - Nghệ Tĩnh là dịp để chúng ta cùng ôn lại một mốc son chói ngời trong lịch sử cách mạng Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bản lĩnh, khát vọng vươn lên của cả dân tộc, khát vọng độc lập tự do, của ý chí tự lực, tự cường và quyết tâm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, nhất là tinh thần tiến công cách mạng, huy động sức mạnh toàn dân, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước ta ngày càng giàu mạnh trong giai đoạn mới./.

1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, tập 10. tr. 9.

Xem thêm