Số đại biểu QH, HÐND, đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu

Luật Bầu cử đại biểu QH quy định tổng số đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không quá 500. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Số đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương.
Căn cứ vào quy định nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ vào số lượng đại biểu Quốc hội quy định tại luật này, căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội, sau khi trao đổi ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; Số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.

Số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm để các thành phần dân tộc thiểu số có số đại biểu thích đáng. Số đại biểu Quốc hội là phụ nữ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Ðoàn Chủ tịch BCH T.Ư Hội LHPN Việt Nam, bảo đảm để phụ nữ có số đại biểu thích đáng.

Ðại biểu Quốc hội được bầu theo đơn vị bầu cử. Ở mỗi đơn vị bầu cử được bầu không quá ba đại biểu. Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử.

Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số đại biểu của mỗi đơn vị được tính căn cứ theo số dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định và được công bố chậm nhất là bảy mươi ngày trước ngày bầu cử.

Ðiều 12 Luật Bầu cử đại biểu QH quy định như sau:

- Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội chia thành nhiều khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Ở miền núi, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có tới ba trăm cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu.

Việc chia khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định và do Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn. Ðối với những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì việc chia khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định.

- Ðơn vị vũ trang nhân dân thành lập khu vực bỏ phiếu riêng, trừ trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung một khu vực bỏ phiếu. Bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ năm mươi cử tri trở lên có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng. Cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh đối với những người đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu HÐND, số đại biểu HÐND ở mỗi cấp được ấn định như sau:

- Xã, thị trấn miền xuôi có từ bốn nghìn người trở xuống được bầu 25 đại biểu, có hơn bốn nghìn người thì cứ thêm hai nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.

- Xã, thị trấn miền núi và hải đảo có từ ba nghìn người trở xuống đến hai nghìn người được bầu 25 đại biểu, có hơn ba nghìn người thì cứ thêm một nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu; xã, thị trấn có dưới hai nghìn người trở xuống đến một nghìn người được bầu 19 đại biểu; xã, thị trấn có dưới một nghìn người được bầu 15 đại biểu.

- Phường có từ tám nghìn người trở xuống được bầu 25 đại biểu, có hơn tám nghìn người thì cứ thêm bốn nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.

- Huyện miền xuôi và quận có từ tám mươi nghìn người trở xuống được bầu 30 đại biểu, có hơn tám mươi nghìn người thì cứ thêm mười nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu.

- Huyện miền núi và hải đảo có từ bốn mươi nghìn người trở xuống được bầu 30 đại biểu, có hơn bốn mươi nghìn người thì cứ thêm năm nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu.

- Thị xã có từ bảy mươi nghìn người trở xuống được bầu 30 đại biểu, có hơn bảy mươi nghìn người thì cứ thêm mười nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu.

- Thành phố thuộc tỉnh có từ một trăm nghìn người trở xuống được bầu 30 đại biểu, có hơn một trăm nghìn người thì cứ thêm mười nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu.

- Ðối với các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định ở trên nếu có từ 30 đơn vị hành chính trực thuộc trở lên được bầu hơn 40 đại biểu; số lượng cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Tỉnh miền xuôi và thành phố trực thuộc Trung ương có từ một triệu người trở xuống được bầu 50 đại biểu, có hơn một triệu người thì cứ thêm năm mươi nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu.

- Tỉnh miền núi có từ năm trăm nghìn người trở xuống được bầu 50 đại biểu, có hơn năm trăm nghìn người thì cứ thêm ba mươi nghìn người được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu.

- Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác có hơn ba triệu người được bầu không quá 95 đại biểu.

Ðại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được bầu theo đơn vị bầu cử. Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu không quá năm đại biểu. Số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), danh sách các đơn vị và số đại biểu được bầu của mỗi đơn vị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ấn định và phải được Chính phủ phê chuẩn.

Số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện), xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), danh sách các đơn vị và số đại biểu được bầu của mỗi đơn vị do Ủy ban nhân dân cùng cấp ấn định và phải được Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn.

Danh sách các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp nào do Ủy ban nhân dân cấp ấy gửi đến Ủy ban bầu cử cùng cấp. Chậm nhất là năm mươi ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban bầu cử công bố danh sách các đơn vị bầu cử.

Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi cấp chia thành một hoặc nhiều khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội.

Việc thành lập khu vực bỏ phiếu được thực hiện theo quy định tại Ðiều 12 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, chậm nhất là chín mươi ngày trước ngày bầu cử:

1. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, trong đó bảo đảm số lượng thích đáng đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; đối với địa phương có nhiều dân tộc thiểu số cần bảo đảm số lượng thích đáng đại biểu HÐND là người dân tộc thiểu số.

2. Thường trực HÐND cấp xã dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HÐND được bầu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở cấp mình và thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm trên địa bàn, trong đó bảo đảm số lượng thích đáng đại biểu HÐND là phụ nữ. Ðối với địa phương có nhiều dân tộc thiểu số cần bảo đảm số lượng thích đáng đại biểu HÐND là người dân tộc thiểu số.
Theo Nhân dân

Xem thêm