Sơ kết 5 năm về công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

BBK - Sáng 06/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm về công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam theo Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bắc Kạn.

Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Nghị quyết liên tịch số 403), nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được nâng lên, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.

Đối với giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, như: Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp... Trong 05 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành giám sát hơn 60.400 cuộc. Trong đó, MTTQ cấp tỉnh giám sát được hơn 2.600 cuộc, MTTQ cấp huyện giám sát hơn 11.600 cuộc và Mặt trận cấp xã giám sát hơn 46.000 cuộc.

Đối với giám sát thông qua hình thức tổ chức đoàn giám sát: Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức hơn 87.000 đoàn giám sát. Trong đó, MTTQ cấp tỉnh giám sát được gần 2.000 cuộc, MTTQ cấp huyện giám sát hơn 13.000 cuộc và Mặt trận cấp xã giám sát hơn 72.000 cuộc.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tích cực tham gia giám sát với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cùng cấp. Cụ thể, Ủy ban MTTQ các cấp đã tham gia giám sát với các cơ quan có thẩm quyền được hơn 159.000 cuộc (trong đó, cấp tỉnh tham gia giám sát hơn 5.500 cuộc; cấp huyện hơn 29.400 cuộc; cấp xã hơn 124.500 cuộc).

Về phản biện xã hội được tổ chức ở các hình thức, gồm: Tổ chức hội nghị phản biện xã hội; gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban MTTQ với cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện.

Cụ thể, đối với hình thức tổ chức hội nghị phản biện xã hội, từ năm 2018 đến hết năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 14 hội nghị phản biện xã hội. Ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức hơn 23.800 hội nghị phản biện (cấp tỉnh tổ chức được 827 cuộc, cấp huyện tổ chức 3.488 hội nghị phản biện, cấp xã đã tổ chức hơn 19.500 hội nghị phản biện).

Đối với hình thức gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã gửi văn bản để tham gia góp ý kiến, phản biện vào hơn 42.000 văn bản dự thảo của các cơ quan, tổ chức (tỉnh được 3.364 văn bản, cấp huyện được 8.572 văn bản, cấp xã được 30.115 văn bản).

Đối với hình thức tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban MTTQ với cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phản biện xã hội bằng hình thức tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với cơ quan, tổ chức có văn bản là hơn 19.700 cuộc (cấp tỉnh được 255 cuộc, cấp huyện được hơn 2.300 cuộc, cấp xã được hơn 17.000 cuộc).

Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận và thống nhất đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Nghị quyết liên tịch số 403 nói riêng. Tăng cường công tác tập huấn về kỹ năng giám sát, phản biện xã hội và một số lĩnh vực có liên quan cho đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm và có tính hệ thống, bảo đảm thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.../.

Xem thêm