Ngoài việc cho ý kiến vào ba dự án luật, QH đã dành trọn ba ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và các chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2009; đánh giá kết quả một năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - đều là những nội dung mà cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Thế nên trong ba ngày này, các phiên họp đều được truyền hình và phát thanh trực tiếp để nhân dân theo dõi và giám sát
Riêng về kinh tế - xã hội, đã có 196 lượt ý kiến thảo luận ở tổ trong những ngày trước, nay thảo luận tại Hội trường hai ngày 28 và 29-10, vẫn còn 20 đại biểu chưa có điều kiện trình bày ý kiến của mình, sau khi 92 vị đã phát biểu, cho thấy mối quan tâm đối với tình hình và triển vọng nền kinh tế đất nước trước tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính thế giới.
Bài học về công tác dự báo
Hầu hết các đại biểu ghi nhận những thành công trong việc kiềm chế lạm phát, thực hiện tám nhóm giải pháp của Chính phủ trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. Trong các bài học được rút ra thời gian qua, các đại biểu nhiều lần nhấn mạnh công tác dự báo, tham mưu, đôi khi còn thể hiện sự bức xúc về những bất cập trong công tác này.
Một trong những bài học vừa đắt giá vừa sâu sắc mà Chính phủ đã rút ra trong quá trình chỉ đạo điều hành, đó là công tác dự báo và cảnh báo sớm. Tổ chức dự báo chưa chặt chẽ, tính chuyên nghiệp chưa cao, dự báo thiếu chính xác, chưa kịp thời - đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhận định, rồi đưa ra hai tài liệu của cơ quan chức năng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó kết luận: kinh tế nước ta năm 2008 sẽ tăng trưởng khoảng 9,1%; lạm phát 8% (trong khi theo báo cáo của Chính phủ thì tăng trưởng khó đạt 7% và lạm phát thực tế đã là 24%, gấp ba lần dự báo). Những dự báo như trên đã làm cho các cơ quan tham mưu chiến lược, các cơ quan hoạch định chính sách đề ra những giải pháp không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và dài hạn.
Trong Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ rõ, phải quan tâm, tổ chức tốt công tác dự báo và phân tích kinh tế. Tuy có nhiều cơ quan dự báo và phân tích kinh tế, nhưng công tác này chưa thật sự được coi trọng đúng tầm, chưa được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả và thiếu cơ chế thích hợp để tranh thủ ý kiến các chuyên gia độc lập.
Những thắc mắc, chất vấn của khá nhiều đại biểu tập trung vào vấn đề dự báo tình hình xuất khẩu lúa gạo hồi đầu năm.
Trả lời những băn khoăn của nhiều đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (đại biểu Cao Bằng) trình bày những căn cứ để Chính phủ đề ra quyết định nói trên. Chính phủ không chủ trương dừng xuất khẩu gạo. Vào cuối tháng 3-2008, chủ trương tạm dừng ký hợp đồng mới cho tới hết tháng 6. Lúc đó, số hợp đồng đã ký là 2,4 triệu tấn, nhưng mới xuất được 800 nghìn tấn, còn phải giao tiếp 1,6 triệu tấn nữa trong các tháng 4, 5, 6. Trong nước, tình hình lạm phát gia tăng. Hàng trăm nghìn ha lúa ở miền bắc chết vì rét đậm. Do giá gạo thế giới tăng mạnh trong tháng 4-2008, một số doanh nghiệp mua gom gạo, cộng với tin đồn thất thiệt đã đẩy giá gạo lên rất cao, gây tâm lý hoang mang trong một bộ phận người dân... Trước tình hình đó, rõ ràng không thể cho ký tiếp hợp đồng. Từ tháng 6, các doanh nghiệp đã ký tiếp các hợp đồng mới. Theo báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam, chín tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ chênh với Thái-lan 1 USD, nông dân cả nước đã bán được lúa đông xuân với giá cao. Bộ trưởng chân thành: Mong rằng bà con nông dân cả nước, trước hết là nông dân đồng bằng sông Cửu Long, chia sẻ với quyết định phải nói rất khó khăn của Chính phủ.
Chống lạm phát và đề phòng giảm phát
Sau nhiều tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng phi mã, tháng 10 vừa qua, chỉ số này lại giảm 0,19%. Trong dư luận đã xuất hiện một số ý kiến dự báo có dấu hiệu của giảm phát. Mà lạm phát hay giảm phát đều nguy hiểm như nhau. Nhận định này cũng đã được nhiều đại biểu nêu lên trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. "Chúng tôi đề nghị trong điều hành chú ý xử lý linh hoạt như bài học kinh nghiệm của năm 2008. Nếu tác động của thế giới xấu, liên tục, mạnh mà trong nước GDP tiếp tục đi xuống, chỉ số giá tiếp tục giảm nhanh, sản xuất đình trệ kéo dài hoặc phá sản tăng lên, thì chúng ta phải nghĩ ngay đến giảm phát. Phải có phương án ngay từ bây giờ để có đối phó thích ứng" - đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình).
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) dự báo, năm 2009, tác động của tình hình thế giới sẽ không tốt hơn mà còn khó khăn hơn năm 2008. Cùng với các giải pháp của Chính phủ, đại biểu này đề nghị một phương án dự phòng. "Phương án này nghe có vẻ lạ tai: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện kinh tế thiểu phát. Như vậy là thiểu phát nhưng lại phải kiểm soát lạm phát. Vì nguyên nhân gây lạm phát vẫn còn nguyên, có thể bộc lộ bất cứ lúc nào".
Tham gia thảo luận vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (đại biểu Thanh Hóa) nêu rõ, chúng tôi chưa đánh giá là khả năng thiểu phát vì chỉ có một tháng chỉ số giá là âm, cần phải theo dõi các tháng tiếp theo. Nếu giảm liên tục ba, bốn tháng thì mới có thể nói là thiểu phát. Vấn đề là phải theo dõi sát, có sự điều hành hợp lý và sự điều chỉnh phù hợp. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết thêm: Tình hình khủng hoảng tại Mỹ tác động làn sóng 1 đến các nước châu Ấu, làn sóng 2 đến các nước châu Á, và khi đến châu Á sẽ tác động đến chúng ta. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 1-11, Chính phủ đã phân tích tình hình và tiếp thu ý kiến đại biểu QH, xác định tốc độ tăng GDP 2008 có thể đạt 6,7%, và quyết định điều chỉnh theo hướng giảm một số chỉ tiêu năm 2009, như tăng trưởng phấn đấu đạt 6,5% (báo cáo QH là 7%)...
Tham nhũng, lãng phí vẫn là vấn đề nóng
QH dành cả ngày 31-10 để nghe các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ 1-10-2007 đến 31-8-2008; và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của QH về công tác này. Mặc dù các báo cáo đã đề cập cụ thể và khá toàn diện các khía cạnh của từng vấn đề, nhưng trong thảo luận các đại biểu QH vẫn thể hiện mối quan tâm đặc biệt và nhiều trăn trở về các lĩnh vực nói trên. Bảy đại biểu không còn thời gian để phát biểu ý kiến của mình.
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nhấn mạnh, cử tri và nhân dân mong muốn rằng đã đến lúc Quốc hội và Chính phủ cần phải có một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, vừa giáo dục ý thức phòng, tránh vừa có biện pháp sắc bén, thực hiện công khai, minh bạch, làm cho người thi hành công vụ không dám tham nhũng và không thể tham nhũng. Theo đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định), công tác này chưa đạt kết quả như cử tri mong muốn, tham nhũng vẫn nghiêm trọng và phức tạp. Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) thì cho rằng, các vụ việc tiêu cực chỉ khi các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, cán bộ trong cơ quan, đơn vị ấy mới dám nói lên sự thật, dù họ đều biết nhưng do tâm lý an phận, ngại va chạm, do lợi ích nên không sẵn sàng đấu tranh, phát hiện, tố cáo. Điều đó nếu không được nhận diện và có biện pháp giải tỏa, thì công cuộc phòng, chống tham nhũng còn khó khăn, trở ngại.
Đề cập tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) dẫn ra những chuyện lãng phí, như lãng phí thời gian, giấy tờ của công dân, doanh nghiệp do thủ tục hành chính, lãng phí do quy hoạch treo, do ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, do công nghệ sau thu hoạch lạc hậu làm hao hụt nông sản 20 - 25%... Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) thông tin: Ở cấp tỉnh mà một năm rưỡi tiếp nhận và ban hành tới 38.000 văn bản, thì tên văn bản còn chưa nhớ hết nói chi đến nội dung. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí càng quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.