Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh ATTP dịp cuối năm

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa vào dịp cuối năm đang tăng cao, đây là thời điểm thực phẩm kém chất lượng trà trộn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Ban Chỉ đạo Liên ngành vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn đang tăng cường các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt an toàn thực phẩm.

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa vào dịp cuối năm đang tăng cao, đây là thời điểm thực phẩm kém chất lượng trà trộn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Ban Chỉ đạo Liên ngành vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn đang tăng cường các biện pháp kiểm soát, quản lý chặt an toàn thực phẩm.

Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng
Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số cơ sở thực phẩm 7.173, trong đó có  2.740 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 2.283 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 2.150 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh ATTP tỉnh Bắc Kạn sẽ tiến hành tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thanh Cao- Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Ban Chỉ đạo liên ngành sẽ tiến hành kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... Kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng.

Để nâng cao ý thức của người dân về an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Thông qua công tác kiểm tra phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành như: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018... Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện kiểm tra.

Có thể thấy, hiện nay việc mua bán nhiều loại thực phẩm qua mạng xã hội rất phổ biến, chất lượng rất khó kiểm soát. Đây là điều người tiêu dùng cần lưu ý để tự bảo vệ bản thân và gia đình trước thực phẩm không an toàn. Để bảo đảm chất lượng nguồn cung ứng thực phẩm, nhất là vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Có biện pháp giúp đỡ những cơ sở có chất lượng tồn tại và phát triển; đồng thời buộc những cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu ý thức, không bảo đảm điều kiện ATTP phải dừng hoạt động.

Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm ATTP với phương châm vì sự an toàn cho chính bản thân và gia đình mình. Nói "không" với thực phẩm bẩn là cách người tiêu dùng góp phần loại bỏ những cơ sở làm ăn gian dối và tự bảo vệ sức khỏe của mình cùng gia đình./.

Hồng Hạnh

Xem thêm