Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Triệu Văn D., ở xã Đồng Phúc (Ba Bể) hiện đang điều trị bắt buộc tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Kạn cho biết, đã là lần thứ 3 phải vào đây điều trị tập trung. Quá trình điều trị, được lãnh đạo và nhân viên của Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Kạn phân tích, tuyên truyền nên bản thân rất rõ tác hại của ma túy. Vì thế, hết đợt điều trị, khi trở về địa phương rất mong chính quyền địa phương và mọi người xung quanh tạo điều kiện, giúp đỡ về mọi mặt để cùng với nỗ lực của bản thân đoạn tuyệt ma túy, làm lại cuộc đời.
Hầu hết các trường hợp đã, đang điều trị tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Kạn và những trường hợp lầm lỡ khác mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có chung mong muốn được cấp ủy, chính quyền, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, xa lánh mà chia sẻ, động viên. Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ để họ có việc làm, có thu nhập ổn định để vươn lên trở thành người có ích.
Thực tế, công tác quản lý, giáo dục đối tượng theo quy định của pháp luật (gồm người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú; đối tượng đang chờ thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, nghiện ma túy, trẻ em vi phạm pháp luật... và một số đối tượng khác - gọi tắt là đối tượng ở địa bàn cơ sở) đã luôn được các cấp, ngành, địa phương của tỉnh chú trọng thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; một bộ phận người dân còn kỳ thị, có biểu hiện xa lánh nên ảnh hưởng đến việc giáo dục đối tượng…
Vì thế, ngày 30/7/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng theo quy định của pháp luật ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới (Chỉ thị số 24-CT/TU). Để thực hiện, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức phổ biến, quán triệt và cụ thể hoá bằng chương trình, kế hoạch công tác.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các quy định về quản lý, giáo dục đối tượng được các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, như: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống mại dâm lồng ghép phòng, chống ma túy, mua bán người; tổ chức tuyên truyền cho 750 lượt học viên đang cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Kạn về chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, về quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp tổ chức hàng chục cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa phương. Lực lượng công an toàn tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tại địa bàn cơ sở lồng ghép vào các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung...
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, do công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nên đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, từng bước xóa bỏ thái độ kỳ thị, tạo điều kiện giúp họ ổn định cuộc sống, không tái phạm và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, như ông Ma Đức Thủy, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân người nghiện ma túy sau cai nghiện tập trung thì để giúp đỡ họ đoạn tuyệt với ma túy, yếu tố quan trọng là cần xóa bỏ kỳ thị. Đồng thời, các gia đình và chính quyền địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện để giúp những người này có việc làm, có thu nhập để trở thành người có ích cho xã hội.
Để tăng cường công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tại địa bàn cơ sở, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU và quy định của pháp luật có liên quan, như: Luật Đặc xá; Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng chống ma túy; Chỉ thị số 05/CT-BCA ngày 01/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tạo chuyển biến về nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng xã hội về công tác quản lý, giáo dục đối tượng, từ đó huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử với các đối tượng.
Đồng thời, tiếp tục phát huy, nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở. Chú trọng huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nguồn lực xã hội hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo việc làm giúp đối tượng ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập cộng đồng từ đó hạn chế tái phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật.../.