Trước khi thảo luận Tổ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường Diên Hồng để nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật.
Đây là dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp này theo quy trình tại 01 kỳ họp, nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐNDVN tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân (QĐND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đồng thời, khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập của Luật Sĩ quan QĐNDVN về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; cấp bậc, quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng và một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan,...
Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 2 điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2008/QH12 và Luật số 72/2014/QH13 và Điều 2. Hiệu lực thi hành.
Tham gia thảo luận, Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1 (ĐBQH Đoàn Bắc Kạn) nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật với đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị và thực tiễn, đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đối với dự thảo Luật. Đại biểu cho biết, các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cán bộ, chiến sĩ QĐNDVN.
Phân tích những điểm mới của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội có tác động lớn đến độ tuổi nghỉ hưu và các chính sách liên quan của lực lượng vũ trang như công an, quân đội, đại biểu Hoàng Văn Hữu nhất trí cao với việc điều chỉnh về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan trong dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan đảm bảo kế thừa độ tuổi quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2008 và năm 2014, tương đồng với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2023. Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ của đội ngũ sĩ quan còn nhằm phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ và phù hợp tính chất, nhiệm vụ của Quân đội.
Còn đối với cấp bậc quân hàm Đại tá và Cấp tướng, đại biểu đề nghị nâng hạn tuổi và có phân chia độ tuổi nam, nữ đảm bảo tương thích với tuổi nghỉ hưu của nam và nữ theo quy định của Bộ luật Lao động. Như vậy, để bảo đảm cho sĩ quan Quân đội nhân dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ điều kiện được hưởng tối đa 75% lương theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng về hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp.
Đối với các quy định một số chính sách về nhà ở, đất ở của lực lượng vũ trang, đại biểu Hoàng Văn Hữu cho biết, đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, đây là nhu cầu thiết yếu và hiện nay đang còn rất thiếu. Việc thực hiện các chính sách này cũng thể hiện rõ tính chất nghề nghiệp của lực lượng này là ngành nghề lao động đặc biệt.
Theo đại biểu Hoàng Văn Hữu, dự thảo Luật hiện quy định tăng từ 11 chức vụ cơ bản lên 27 nhóm chức vụ với 27 bậc là sát tình hình thực tiễn, nhưng chưa thực sự đáp ứng được mong mỏi của lực lượng sĩ quan từ cấp trung đoàn trở xuống. Tuy nhiên, quy định phân nhóm chưa rõ ràng theo cấp trung đoàn, cấp tiểu đoàn, do đó cần phải xem xét quy định cho phù hợp./.