Thanh Mai phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

 

Nằm ở vùng kinh tế phía Tây của huyện Chợ Mới, xã Thanh Mai đã và đang khai thác tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, với mục tiêu giúp Nhân dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Thanh Mai khai thác lợi thế để phát triển nuôi cá nước ngọt, giúp tăng thu nhập cho Nhân dân.
Thanh Mai khai thác lợi thế, phát triển nuôi cá nước ngọt, giúp tăng thu nhập cho Nhân dân.

Trước đây, người dân xã Thanh Mai chưa quan tâm đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chủ yếu tự cung tự cấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, Đảng bộ, chính quyền xã đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh đầu tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp; khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nguồn lao động và những lợi thế sẵn có để phát triển các cây trồng, vật nuôi phù hợp, cho giá trị kinh tế cao. Trong đó, khai thác lợi thế để phát triển nuôi cá nước ngọt, trồng cây ăn quả, cây khoai tây... theo hướng sản xuất hàng hóa và liên kết tiêu thụ.

Theo thống kê, hiện xã Thanh Mai có 23ha diện tích ao hồ, đây là lợi thế để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt như cá chép, trắm, rô phi đơn tính. Vì vậy, chính quyền địa phương đã tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 18 hộ gia đình mua cá giống để thực hiện mô hình nuôi cá trên quy mô 20.000m2 với tổng vốn 500 triệu đồng, có liên kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, Thanh Mai còn thực hiện mô hình cung cấp cá giống cho người dân trong xã và các địa phương lân cận. Năm 2019, sản lượng cá thịt trên địa bàn đạt 45 tấn; năm 2020 xã phấn đấu xuất bán ra thị trường hơn 50 tấn cá các loại.

Ngoài phát triển nuôi cá nước ngọt, Đảng bộ, chính quyền xã đã vận động Nhân dân thay đổi tập quán canh tác, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng thế mạnh địa phương. Trong đó, chú trọng lựa chọn các cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả, dần hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Năm 2019, Thanh Mai thực hiện trồng 13,8ha cây khoai tây, trong đó có 10ha cây khoai tây lòng trắng và liên kết với Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.

Là xã nằm ở vùng kinh tế phía Tây của huyện, Thanh Mai có lợi thế để phát triển trồng rừng, nhờ chỉ đạo sát sao nên công tác trồng rừng hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch, diện tích không ngừng tăng lên. Hiện nay, xã có khoảng 3.000ha rừng trồng, nhiều diện tích rừng mang lại thu nhập từ 80 đến 150 triệu đồng/ha. Hiện nay cấp ủy, chính quyền xã Thanh Mai tập trung chỉ đạo phát triển trồng rừng gỗ lớn theo Dự án Kfw8 và coi đây là hướng đi được đặc biệt quan tâm, nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng.

Năm 2020, xã đã phối hợp chuyển đổi, đưa giống lúa mới Kim Cương 111 vào canh tác trên quy mô diện tích 35ha. Đồng thời thí điểm mô hình cấy giống lúa SUMO của Nhật Bản với diện tích 3.000m2 trong vụ mùa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế từ cây lúa nước. Vụ đông năm nay xã tiếp tục phối hợp triển khai trồng 7ha cây khoai tây theo hướng liên kết tiêu thụ.

Đồng chí Nguyễn Bá Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: Việc chỉ đạo, định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết tiêu thụ đã giúp cho người dân xã Thanh Mai mạnh dạn hơn trong chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất hàng hóa, góp phần tạo ra những sản phẩm nông sản có năng suất, chất lượng và nâng cao thu nhập.

Được biết, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Mai đang xây dựng kế hoạch đề xuất với huyện cho chủ trương để xã thực hiện  bảo tồn và nhân rộng mô hình nuôi giống vịt cổ xanh bản địa và nuôi ba ba trong năm 2021. Đồng thời định hướng phát triển trồng cây dược liệu ở các thôn, bản vùng cao, góp phần tăng thu nhập cho Nhân dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững./.

Hà Thanh

Xem thêm