Sáng 01/4/2011, các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường - Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Hoàng Ngọc Đường – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với Thượng toạ Thích Huệ Đăng – Giám đốc Công ty Hoa Lan Thanh Quang (tỉnh Lâm Đồng) về triển vọng của cây sâm Ngọc Linh và một số cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Thượng toạ Thích Huệ Đăng giúp Bắc Kạn thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật và quy trình nhân giống vô tính một số cây trồng khác đang triển khai ở địa phương. |
Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở: Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và PTNT; Kế hoạch và Đầu tư; Nội vụ và các chuyên gia của Công ty Hoa Lan Thanh Quang.
Tại buổi làm việc đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã thông báo khái quát với Thượng toạ và các chuyên gia đi cùng về tình hình địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng của Bắc Kạn, cũng như những chủ trương, định hướng trong phát triển kinh tế, xã hội của Bắc Kạn hiện nay và những năm tới.
Thượng toạ Thượng toạ Thích Huệ Đăng chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về quá trình đi tìm kiếm cây sâm Ngọc Linh cũng như quá trình cấy mô, nhân giống vô tính thành công cây sâm quý này. Năm 2008, vị sư già Thích Huệ Đăng, tuổi đã ngoài 70, băng rừng, lội suối nhiều giờ liền, để đến tận nơi sinh sống của loài sâm quý dưới chân núi Ngọc Linh (Quảng Nam).
Nhưng khác với những đoàn người đi tận thu loài sâm quý này, ông đến đây với một quyết tâm cháy bỏng: mong muốn nhân giống thành công sâm Ngọc Linh để nhiều người có cơ hội được chữa bệnh, có thể thoát nghèo từ loại cây trồng này. Sau khi nghiên cứu về hình thái, sinh thái, quần thể, phân bố, khả năng di cư và việc phát tán, ông mang về 10 cây giống để bắt đầu thực hiện ước nguyện của mình.
Sau 2 năm nghiên cứu trong và ngoài nước, đầu tư xây dựng cơ sở nhân giống vô tính, Thượng tọa Thích Huệ Đăng đã thành công với sự ra đời của hàng ngàn cây sâm Ngọc Linh trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Đến nay có thể khẳng định cây sâm Ngọc Linh đã được nhân giống và trồng thành công tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với số lượng trên 50.000 cây.
Điều đáng nói là cơ sở nhân giống loại cây trồng siêu lợi nhuận này lại là của một vị sư và sư thầy sẽ dành 30% lợi nhuận thu được cho công tác từ thiện xã hội. 1.000 cây sâm con được nhân giống vô tính đưa ra vườn trồng đã phát triển rất tốt ngay dưới tán rừng thông. 4.000 cây khác được một doanh nghiệp trồng rừng tỉnh Kon Tum đưa về trồng cũng phát triển không kém sâm Ngọc Linh trong tự nhiên.
Theo tính toán của Công ty Hoa Lan Thanh Quang thì nếu trồng 1 héc ta sâm Ngọc Linh với tỷ lệ cây sống là 70% thì sau chu kỳ từ 5 đến 7 năm sẽ cho thu hoạch khoảng 2,5 tấn sâm, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 25 tỷ đồng. Bên cạnh thành công trong nhân giống vô tính với cây sâm Ngọc Linh, Thượng toạ còn thanh công trong phát triển các loài hoa lan quý, chuối Laba.
Các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích các điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng và cách thức phát triển cây sâm quý này tại những vùng đất phù hợp trên địa bàn tỉnh, để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Cường – Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn nhấn mạnh: Phát triển lâm nghiệp, du lịch là hướng phát triển kinh tế của Bắc Kạn trong hiện tại cũng như thời gian tới.
Việc đưa cây sâm Ngọc Linh vào phát triển ở Bắc Kạn đòi hỏi phải có sự kiên trì và sự say mê. Đây là loài cây dược liệu quý hiếm, chu kỳ thu hoạch dài, ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng thành công trong việc phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Bắc Kạn sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương. Do đó, trước mắt tỉnh sẽ quyết tâm di thực một lượng cá thể sâm Ngọc Linh về Bắc Kạn để trồng thử nghiệm, qua đó nhằm đánh giá để phát triển cây dược liệu quý này theo hướng hàng hoá. Nhiệm vụ này tỉnh giao cho doanh nghiệp có nhu cầu và Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng đề nghị Thượng toạ Thích Huệ Đăng giúp Bắc Kạn thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật và quy trình nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh và một số cây trồng khác đang triển khai ở địa phương. Trước mắt Thượng toạ giúp tỉnh nhân giống vô tính cây dong riềng, gừng đá và khoai môn, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng phục vụ nguồn giống phát triển cây sâm Ngọc Linh và các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Thượng toạ Thích Huệ Đăng nhất trí với những đề nghị của tỉnh Bắc Kạn, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của Bắc Kạn trong việc đưa cây sâm Ngoc Linh cũng như một số cây có giá trị kinh tế trồng trên đồng đất Bắc Kạn, biến triển vọng của cây sâm Ngọc Linh trở thành hiện thực.
Chiều cùng ngày, Thượng toạ Thích Huệ Đăng cùng các ngành chuyên môn của tỉnh đã đi nghiên cứu, khảo sát thực địa, điều kiện thổ nhưỡng một số địa phương, trước hết khảo sát để xây dựng 01 vườn ươm cây giống sâm Ngọc Linh tại đỉnh Đồn Đèn, huyện Ba Bể./.
CX - HT