Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ba Bể tổ chức giải ngân tại thị trấn Chợ Rã. |
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, hơn 20 năm giữ vai trò “cánh tay nối dài” của Chính phủ mang nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chặng đường nhiều gian khó của cán bộ, nhân viên, người lao động hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn tỉnh. Nhưng bù lại, họ đã nhận được những nụ cười, niềm vui khi thấy đồng vốn đơm hoa kết trái, mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với người dân.
Vừa rót nước mời khách, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Vũ Loan (xã Văn Vũ, Na Rì) Đàm Xuân Chính vừa chia sẻ: Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Vũ Loan (HTX) được thành lập từ tháng 3/2020 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2021, hiện có 07 thành viên. Hiện HTX chủ yếu sản xuất hạt chiếu và chiếu thành phẩm từ cây tre. Bên cạnh sự hỗ trợ khác, HTX đã được vay 100 triệu đồng nguồn giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Na Rì để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn này góp phần giúp duy trì và mở rộng hoạt động của HTX, qua đó tạo việc làm, thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng cho lao động làm việc trực tiếp. Ngoài ra, trung bình một năm HTX tiêu thụ khoảng hơn 10.000 cây tre của các hộ dân trên địa bàn, góp phần tạo việc làm và cải thiện đời sống người dân.
Thực hiện nhiệm vụ ủy thác với NHCSXH, Chủ tịch Hội Nông dân phường Sông Cầu (TP. Bắc Kạn) La Thị Thúy Hường cho biết: Công tác bình xét cho vay được thực hiện nghiêm túc, công khai, dân chủ theo quy định. Quá trình tiếp cận vốn, giải ngân đều được diễn ra nhanh chóng với sự hỗ trợ rất nhiệt tình của cán bộ tín dụng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ủy thác, Hội thường xuyên phối hợp kiểm tra, thăm nắm tình hình sử dụng vốn nên các trường hợp vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn do tổ chức Hội quản lý đều phát huy hiệu quả trong thực tế, góp phần cải thiện đời sống. Trên địa bàn không có nợ quá hạn, không có lãi tồn.
Cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Pác Nặm trên đường xuống các hộ dân kiểm tra, thăm nắm tình hình sử dụng vốn. |
Trong hơn 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, từ 02 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã và đang triển khai các chương trình tín dụng rộng khắp trên 100% xã, phường, thị trấn. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, hạn chế “tín dụng đen”.
Thực tế cũng cho thấy, vốn tín dụng chính sách đã thực sự là động lực, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Trò chuyện bên chén trà xuân nóng hổi, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Sỹ Côn cho biết: Tính đến nay, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH là 2.687 tỷ đồng với hơn 42.000 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng trên 97% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho hàng chục nghìn hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế và đời sống người dân, nguồn vốn tín dụng chính sách càng thể hiện rõ hơn vai trò và tầm quan trọng, trở thành công cụ đắc lực của Chính phủ giúp người dân cả nước nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp phù hợp để đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; gắn kết tín dụng chính sách với những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP của địa phương. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng hằng năm đạt từ 6-8%; hằng năm hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao. Tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ triển khai qua NHCSXH đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng... để vốn tín dụng chính sách xã hội tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Hoàng Vũ