Triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai rộng khắp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai rộng khắp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương.

Siêu thị BKMart thu hút nhiều khách hàng.
Siêu thị BKMart được Sở Công thương lựa chọn là điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt Nam".

Đưa hàng Việt về nông thôn

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức đưa 20 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giúp người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn về chất lượng hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam. Đồng thời, pối hợp với các doanh nghiệp tổ chức thành công 32 kỳ hội chợ, trong đó 08 hội chợ tại thành phố và 24 hội chợ các huyện.

Nhằm hưởng ứng Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Sở Công thương đã chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức hội chợ làm cam kết về tỷ lệ từ 65% đến 70% hàng hóa là hàng Việt Nam, hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giúp người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn về chất lượng hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam.

Công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được phong trào rộng rãi, ý thức sử dụng hàng Việt được nâng lên và có sự chuyển biến rõ nét trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động thường ưu tiên chọn hàng Việt khi đi mua sắm vật dụng phục vụ cho công việc và cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Từ việc tuyên truyền tạo nhận thức và qua thực tế chất lượng hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng, người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đã có sự so sánh về giá cả và chất lượng giữa hàng nội và hàng ngoại trước khi chọn mua hàng. Khuynh hướng chọn dùng hàng Việt thay cho hàng ngoại trong tiêu dùng hàng ngày của người Việt ngày càng cao, từ đó số lượng người tham gia mua sắm hàng Việt chiếm tỷ lệ cao hơn.

Mạng lưới phân phối 

Đến nay qua thăm nắm thị trường trên địa bàn tỉnh cho thấy, hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh hiện tồn tại 04 loại hình chủ yếu, bao gồm: Siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng đại lý, cửa hàng tạp hóa. Đánh giá về chất lượng và mẫu mã hàng hóa sản xuất trong nước lưu thông trên địa bàn tỉnh, đa số cho rằng chất lượng có tốt hơn nhưng mẫu mã chỉ đạt loại trung bình khá, chưa có cải tiến nhiều; số lượng hàng Việt bán nhiều hơn hàng nhập khẩu, chiếm tỷ lệ khoảng trên 60-65%.

Người tiêu dùng lựa chọn như trên là do các yếu tố ảnh hưởng như chất lượng hàng hóa ngày càng cao, chiếm tỷ lệ khoảng 60% và giá cả phù hợp chiếm 45-50%. Trong các cơ quan nhà nước, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, khi thực hiện mua sắm tài sản công thì có khoảng 75% đơn vị ưu tiên mua sắm đối với hàng sản xuất trong nước. So sánh sức mua hàng Việt hiện nay với các năm trước từ khi có Cuộc vận động đối với các nhóm hàng được khảo sát tại các phiên chợ hàng Việt về nông thôn cho thấy hàng Việt được mua nhiều hơn. Nguyên nhân bởi hàng Việt Nam ngày càng có chất lượng, giá cả hợp lý hơn và hầu hết người dân bày tỏ quan điểm sẵn sàng tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động trong thời gian tới.

Cuộc vận động không chỉ tác động đến người tiêu dùng, mà đã tạo thêm động lực cho doanh nghiệp tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường; quá trình liên doanh liên kết đã từng bước tháo gỡ khó khăn; các doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của mình, xác định Cuộc vận động là cơ hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh, giới thiệu quảng bá sản phẩm của đơn vị. Điều đáng phấn khởi là các doanh nghiệp, người sản xuất đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sản xuất các loại sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đến nay có nhiều loại sản phẩm, hàng hoá có chất lượng, giá cả phù hợp, đề ra nhiều giải pháp để xây dựng, quảng bá thương hiệu, không ngừng cải tiến kỹ thuật, đa dạng hoá mẫu mã, mở rộng thị trường, đổi mới dịch vụ phân phối... giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và mua sắm hàng hoá Việt. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Kạn đã có 12 các loại sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu,  trong đó có 02 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2016 là: Miến dong Nhất Thiện, miến dong Triệu Thị Tá…

Đổi mới và hiệu quả

Theo đồng chí Đinh Lâm Sáng- Phó Giám đốc Sở Công thương: Sở đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình thí điểm 02 Điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại siêu thị BKMart, Cửa hàng Hoàng Thị Cúc ở thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn). 02 Điểm bán hàng này đã kết nối được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh có các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đưa vào trưng bày, quảng cáo, tiêu thụ và đã thực hiện đúng theo cam kết là 100% hàng hóa do Việt Nam sản xuất; tổ chức các đợt bán hàng lưu động, bán hàng giảm giá đến tận tay người tiêu dùng thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa. Sở phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá, khuyến mại, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt và có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới ngành Công thương Bắc Kạn triển khai thực hiện Dự án “Điểm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm Bắc Kạn”. Đổi mới phương thức tuyên truyền cuộc vận động đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng với nhiều nội dung phong phú để đảm bảo 100% người dân và doanh nghiệp biết đến. Thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  giai đoạn 2014 - 2020. Tiếp tục phối hợp với các siêu thị, cửa hàng triển khai thực hiện có hiệu quả điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” từ nay đến 2020. Nâng cao chất lượng hoạt động của các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các cơ sở, doanh nghiệp để tăng vốn kinh doanh, mở rộng sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện quảng bá thương hiệu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại để đưa những sản phẩm vươn xa ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bích Ngọc

Xem thêm