Triển vọng từ mô hình trồng khoai tây

Những năm gần đây, diện tích trồng khoai tây vụ đông trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng giảm. Nguyên nhân, chủ yếu là do đầu tư về giống, công làm đất và công chăm sóc… của cây trồng này cao hơn các cây trồng khác.

Những năm gần đây, diện tích trồng khoai tây vụ đông trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng giảm. Nguyên nhân, chủ yếu là do đầu tư về giống, công làm đất và công chăm sóc… của cây trồng này cao hơn các cây trồng khác.

Mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu ở Chu Huơng, Ba Bể.
Mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu ở Chu Huơng, Ba Bể.


“Mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu có che phủ rơm rạ”  do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Kạn thí điểm xây dựng tại các xã: Quảng Khê, Chu Hương (Ba Bể); Bộc Bố, Giáo Hiệu (Pác Nặm) và Lương Hạ (Na Rì) với diện tích 1,5 héc ta đã mở ra hướng phát triển mới, nhằm khai thác tốt diện tích đất nông nghiệp trong vụ đông, nâng cao hiệu quả sản xuất.


Đây là một biện pháp kỹ thuật mới, được nhiều nơi trên cả nước áp dụng. Kỹ thuật mới này giúp cho năng suất, chất lượng khoai cao hơn đồng thời giảm chi phí nhân công từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch.


Kỹ thuật làm đất và trồng khá đơn giản, đồng chí La Thị Huyền– Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Với đất khô đủ ẩm, sau thu hoạch lúa mùa ruộng được cắt sát gốc rạ, rơm rạ được thu gom gọn thành đống ở góc ruộng.  Đến thời vụ trồng khoai, tiến hành cày 2 đường (đường đi đường về) để tạo rãnh luống, theo chiều nghiêng của ruộng, mặt luống rộng 1,2m, cao 25 - 20cm, rãnh rộng 30cm và cày một đường xung quanh ruộng để thuận lợi cho việc tưới và thoát nước.

Người dân tận dụng nguồn rơm, rạ sau thu hoạch lúa mùa để trồng khoai tây trong vụ đông./.
Người dân tận dụng nguồn rơm, rạ sau thu hoạch lúa mùa để trồng khoai tây trong vụ đông./.


Trên nền đất thịt nặng, đất ướt: Các khâu làm luống như với đất đủ ẩm, nhưng lưu ý làm rãnh sâu hơn 25 - 30cm và cày một đường xung quanh ruộng tạo rãnh sâu để thuận lợi cho việc tưới và thoát nước sau này. 


Về kỹ thuật trồng: trộn đều toàn bộ phân chuồng hoai, phân lân, vôi và 20% lượng đạm bón lót theo từng hốc hoặc rãnh, lấp một lớp đất mỏng sau đó đặt củ giống so le, mầm khoai hướng lên trên. Dùng đất rãnh đập nhỏ phủ kín củ giống một lớp mỏng; dùng rơm rạ phủ dày lên toàn bộ mặt luống khoảng 7 - 10cm (1 sào khoai cần 3 - 4 sào rơm hoặc rạ). Ngay sau khi trồng, tưới nước ướt đều lên mặt luống, nếu đất còn ẩm cao không cần tưới chỉ dùng đất ở rãnh đè lên rơm rạ cho rơm rạ không bị bay.


Nếu đất còn ướt, lót một lớp đất bột rồi đặt củ khoai giống lên, dùng toàn bộ phân phân chuồng hoai, phân lân, vôi và đạm đã trộn đều và bón xung quanh củ khoai giống. Dùng đất bột, mùn, trấu phủ kín củ giống 1 lớp; dùng rơm rạ phủ dày lên toàn bộ mặt luống khoảng 7 - 10cm.


Với 5 mô hình tại các xã, người dân có điều kiện để học tập trực quan để nhân rộng. Người dân tham gia các mô hình này chỉ phải mất ít công lao động và một số vật tư sẵn có như rơm, rạ sau thu hoạch vụ mùa và được hỗ trợ 100% giá trị giống, toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch cho người dân hưởng lợi. Cùng với đó các hộ tham gia mô hình còn được tập huấn kỹ thuật từ các khâu: chọn giống; làm đất lên luống; bón phân; kỹ thuật trồng; kỹ thuật chăm sóc; phòng trừ sâu bệnh; thu hoạch và bảo quản.


Khi mở rộng diện tích, nông dân có thể tận dụng hết rơm rạ thừa sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, góp phần hạn chế được tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ của người dân. Sử dụng rơm rạ để trồng khoai tây còn giúp cải tạo đất cho các vụ sản xuất sau.


Đây là năm đầu tiên tỉnh Bắc Kạn xây dựng mô hình thí điểm này, từ kết quả của mô hình có thể khuyến cáo rộng rãi cho các địa phương áp dụng để khai thác tốt các chân ruộng một vụ và diện tích đất rộng lớn trong vụ đông./.


Hà Phương

Xem thêm